Cho vay tiêu dùng được xem là mảnh đất màu mỡ, lợi tức cao, nhưng rủi ro đi kèm không nhỏ, đặc biệt là với khoản vay tín chấp (không tài sản đảm bảo).
Hiện các công ty tài chính (CTTC), như Prudential Finance, Home Credit... có lợi thế hơn, vì không phải tuân thủ các chuẩn mực về lãi suất như các ngân hàng thương mại, song người vay cũng cần hết sức thận trọng trước những lời mời vay vốn tiêu dùng tín chấp, vì lãi suất phải trả rất lớn, nhất là khoản vay tín chấp.
Nhân viên tư vấn tín dụng của một ngân hàng TMCP cho biết, hiện lãi suất cho vay tiêu dùng của ngân hàng dao động ở mức 14 - 15%/năm áp dụng cho khách hàng vay vốn có tài sản thế chấp; còn với cho vay tiêu dùng tín chấp, lãi suất cho vay dao động cao hơn nhiều, khoảng 30 - 35%/năm. Tuy nhiên, hiện tại, không phải ngân hàng nào cũng hào hứng và sẵn sàng thực hiện cho vay tiêu dùng tín chấp, dù lãi suất thu về cao. Một phần, do rủi ro từ tín dụng tiêu dùng cao, hơn nữa các khoản vay thường nhỏ lẻ (cao nhất chỉ vài chục triệu đồng).
Do đó, để khuyến khích khách hàng tiêu dùng, các ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng, với hạn mức lên đến hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào mức lương của khách hàng. Qua đó, ngân hàng phát triển được dịch vụ thẻ, kích thích được tín dụng tiêu dùng qua thẻ lãi suất cao. Lãi suất tiêu dùng qua thẻ tín dụng (tính lãi sau 45 ngày miễn lãi) của ngân hàng thương mại hiện lên đến 35%/năm, đó là chưa kể phí.
Nhưng đó chưa phải là mức cao nhất, vì các CTTC đang đẩy mạnh việc triển khai cho vay tiêu dùng, với lãi suất áp dụng còn cao hơn nhiều. Song do nhu cầu vay tiêu dùng của thị trường Việt Nam còn lớn, nên nhiều khách hàng vẫn quyết định chọn khoản vay với lãi suất cao này. Điều đáng nói là, không ít cá nhân đã không thận trọng xem xét kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi vay, nên rơi vào tình trạng “bút sa gà chết”, đến khi bắt đầu kỳ trả nợ cho các CTTC mới té ngửa vì lãi suất cắt cổ.
Cần phải nói thêm rằng, mức lãi suất cho vay 40 - 50%/năm đã được liệt vào danh sách tín dụng “đen”, song mức lãi suất này được các CTTC thỏa thuận với khách hàng. Lãi suất cơ bản được mọi người đề cập và nhắc đến như một lãi suất chuẩn mực cho các khoản vay hiện cũng chỉ được áp dụng với một số lượng nhỏ đủ điều kiện vay mà không áp dụng cho đại đa số người tiêu dùng. Đồng thời, mức lãi suất cơ bản này được áp dụng bởi các ngân hàng thương mại, chứ không phải các CTTC đang cho vay tiêu dùng.
Vì thế, các CTTC được thỏa sức thỏa thuận lãi suất và áp dụng mức lãi suất khá cao đối với những khách hàng có nhu cầu vốn tiêu dùng, nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận các khoản vay ngân hàng. Đó chính là lợi thế của tổ chức này. Bởi các CTTC triển khai cho vay tiêu dùng dưới hình thức tín chấp và khoản vay rất nhỏ lẻ, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, nên khi khách hàng có nhu cầu vốn tiêu dùng chỉ cần xuất trình giấy chứng minh nhân dân...
Theo các chuyên gia ngân hàng, cho vay tài chính tiêu dùng, nhất là các khoản vay tín chấp, thì lãi suất cho vay không thể thấp, nhưng không phải vì thế mà được phép tính lãi suất quá cao.
Vân Linh - baodautu.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy