Thu nội địa tháng 1/2020 ước đạt 146,1 nghìn tỷ đồng, bằng 11,6% dự toán, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2019. (Ảnh: Thùy Linh)
Đối mặt khó khăn từ dịch bệnh
Tổng thu NSNN tháng 1/2020 ước đạt 166,7 nghìn tỷ đồng, bằng 11% dự toán, tăng 4,8% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa ước đạt 146,1 nghìn tỷ đồng, bằng 11,6% dự toán, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2019. Các khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 11,7% dự toán, xấp xỉ cùng kỳ năm 2019; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13% dự toán, tăng 7,8%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 13,8% dự toán, tăng 7,5%...
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 22 nghìn tỷ đồng, bằng 6,5% dự toán, giảm 34,8% so cùng kỳ năm 2019 do tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1 ước giảm 15,1% so với tháng 12/2019 và giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2019. Sau khi hoàn thuế Giá trị gia tăng theo chế độ (7.000 tỷ đồng), thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15.000 tỷ đồng, bằng 7,2% dự toán. Thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra. Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 1/2020 sơ bộ đạt 36,62 tỷ USD, giảm 18,4 % so với tháng trước và giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2019 (số ngày làm việc trong tháng chỉ có 16 ngày do nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý). Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 18,2 tỷ USD, giảm 19,4% so với tháng 12/2019 và tổng trị giá nhập khẩu đạt 18,42 tỷ USD, giảm 17,4% so với tháng 12/2019. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu tiên năm 2020 có mức thâm hụt 232 triệu USD, trái ngược với xu hướng thặng dư của tháng 1/2019.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất nhập khẩu với Trung Quốc, giao thương có thể gặp khó khăn do hạn chế qua lại biên giới, cửa khẩu và gián đoạn nguồn cung tại tỉnh Hồ Bắc nhằm kiểm soát dịch. Các biện pháp liên quan đến thắt chặt qua lại biên giới khả năng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc. Với rủi ro nói trên, các ngành nghề xuất khẩu theo đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm… sẽ chịu tác động đáng kể trong ngắn hạn.
Có thể nói nếu dịch bệnh kéo dài sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và số thu NSNN. Những ngành có thể chịu tác động từ sự ngưng trệ sản xuất gồm: Dệt may (nhập khẩu sợi, vải), điện tử, tiêu dùng (linh kiện, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc). Tuy nhiên, việc gián đoạn nguồn cung tiềm tàng này có thể chỉ mang tính tạm thời và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có thể sớm được phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát. Do vậy, hoạt động thương mại điện tử có thể được ưu tiên lựa chọn. Khi người dân giảm nhu cầu đi mua sắm tại cửa hàng vật lý, nhu cầu đối với hoạt động mua sắm online, giao hàng, chuyển phát có thể gia tăng.
Đảm bảo cân đối NSNN
Tổng chi cân đối NSNN tháng 1/2020 ước đạt 98,6 nghìn tỷ đồng, bằng 5,6% dự toán, đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội (chiếm 80,7% tổng số chi), tập trung đảm bảo kinh phí tiền lương, lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng để vui đón tết Canh Tý 2020; đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản nợ, lãi đến hạn (chiếm 14,7% tổng chi).
Với tình hình thu-chi như vậy, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Mặc dù tiến độ chi đầu tư phát triển tháng 1 đạt thấp, để đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công, trong tháng 01, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 28,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân 14,7 năm, lãi suất bình quân 3,27%/năm (năm 2019 kỳ hạn bình quân là 13,44 năm, lãi suất bình quân là 4,51%/năm).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020 Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đây có thể coi là mục tiêu trọng tâm trước mắt cũng như lâu dài của ngành Tài chính nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, từ đó có đóng góp bền vững về cho NSNN.
Số thu của ngành Hải quan giảm nhẹ Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, số thu NSNN tính đến ngày 9/2 của toàn ngành Hải quan chỉ đạt 30.121 tỷ đồng, bằng 8,91% dự toán (338.000 tỷ đồng) và giảm tới 12,69% so với cùng kỳ năm 2019. Sở dĩ số thu thuế của ngành Hải quan giảm nhẹ là do ảnh hưởng của dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc đã khiến cho tình hình XNK hàng hoá với Trung Quốc tại một số tỉnh biên giới phía Bắc đình trệ. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình hình XNK với Trung Quốc giảm là tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rơi hoàn toàn vào tháng 1/2020. Thống kê giá trị trung bình theo ngày làm việc (loại trừ ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ lễ quốc gia) trong tháng 1/2020, trị giá XK của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 130,52 triệu USD/ngày, giảm 20,18% so với tháng 12/2019 nhưng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, trị giá NK hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc trong tháng 1/2020 tính trung bình theo ngày chỉ đạt 261,47 tỷ USD/ngày, giảm 6,5% so với tháng 12/2019 và giảm 2,1% so với tháng 1/2019. Theo đó, trong 3 ngày làm việc sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán (30, 31/1/2020 và 3/2/2020), tổng trị giá XK trung bình của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 82,1 triệu USD/ngày, chỉ bằng 63% ngày làm việc thông thường trước đó của tháng 1. Trong khi đó NK đạt 182,8 triệu USD/ngày, chỉ bằng gần 70% ngày làm việc thông thường trong tháng 1 trước đó. Số liệu từ Cục Hải quan Lạng Sơn cho thấy, trong hơn 1 tháng đầu năm 2020, đơn vị thu ngân sách đạt 184,41 tỷ đồng, giảm tới 43,49% so với cùng kỳ; Cục Hải quan Điện Biên thu đạt 5,4 tỷ đồng, giảm tới 20,74% so với cùng kỳ và Cục Hải quan Lào Cai thu đạt 88,18 tỷ đồng giảm tới 47,2% so với cùng kỳ . Theo đại diện Cục Thuế XNK, 3 đơn vị hải quan này có số thu chủ yếu từ khoáng sản XK, máy móc, thiết bị NK từ Trung Quốc nên bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch virus corona gây ra. Cục Thuế XNK nhận định, giao thương gặp khó khăn do hạn chế qua lại biên giới, cửa khẩu gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh nhằm kiểm soát dịch virus corona, các biện pháp liên quan đến thắt chặt qua lại biên giới có thể sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Do vậy, hoạt động XK của Việt Nam với Trung Quốc có thể còn gặp khó khăn kéo dài. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, kim ngạch XK với Trung Quốc đạt 41,4 tỷ USD chiếm 15,7% tổng kim ngạch XK cả nước (264,09 tỷ USD); kim ngạch NK từ Trung Quốc đạt 75,5 tỷ USD chiếm tới 30% tổng kim ngạch NK của cả nước (253,07 tỷ USD). Theo đó, số thuế thu từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc trong năm 2019 chiếm khoảng 24,2% số thu của ngành Hải quan. Do vậy, nếu dịch virus corona kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, XNK và số thu ngân sách của ngành Hải quan năm 2020. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy