Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại phiên họp báo chiều 29/4. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Tại phiên họp báo tối 29/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết kinh tế-xã hội tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư.
Đặc biệt, cơ quan chức năng đã xử lý kịp thời, phù hợp những vấn đề nổi lên, trong đó kiên quyết xử lý những sai phạm trong lĩnh vực thị trường vốn, không để tiêu cực, lũng đoạn thị trường, với tinh thần thúc đẩy phát triển thị trường lành mạnh, an toàn, hiệu quả bền vững.
Với những giải pháp đồng bộ, theo ông Sơn, sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ, tính chung 4 tháng tăng 7,5%. Cùng đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ được khơi thông và mở rộng….
Đáng chú ý, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và liên tục được chỉ đạo triển khai. Nhiều tổ chức quốc tế có những nhận định, đánh giá tích cực về triển vọng phát triển của Việt Nam năm 2022.
“Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thách thức, như xung đột tại Ukraine, giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng cao..., những kết quả đạt được trong tháng 4 và 4 tháng vừa qua là rất đáng mừng, tạo niềm tin và cơ sở nền tảng để Việt Nam sớm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội,” Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.
Phiên họp báo về kinh tế-xã hội do Văn phòng Chính phủ tổ chức. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Dù vậy, theo ông, trong thời gian tới, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, áp lực lạm phát và nợ xấu có xu hướng tăng; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; vốn FDI đăng ký mới chưa cao; giá cả nguyên vật liệu đầu vào và lương thực, thực phẩm tăng…
Do đó, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các Nghị quyết số 01, 02, 11 và 38.
Các đơn vị tập trung các biện pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách Nhà nước.
Cùng đó, tập trung cao độ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế…
Các đơn vị cần bám sát diễn biến kinh tế thế giới, nhất là tình hình giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, qua đó phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản phù hợp, phương án ứng phó kịp thời để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung-cầu và bình ổn giá./.
Tác giả: Xuân Quảng-Minh Thu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy