Thặng dư thật nhưng có nên vui?!
16/11/2014 08:26:44
ANTT.VN – Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng, cán cân thương mại cũng thặng dư nhưng thực lực của cả nền kinh tế vẫn đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, mong manh và thiếu lành mạnh.

Tin liên quan

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10 năm 2014 (từ 16/10/2014 đến 31/10/2014) đạt hơn 15,41 tỷ USD, tăng 20,1% tương ứng tăng hơn 2,58 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2014. Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch hơn 9,69 tỷ USD, tăng 25,8% tương ứng tăng gần 1,99 tỷ USD so với nửa đầu tháng 10/2014.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 10/2014 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết tháng 10/2014 đạt hơn 245,3 tỷ USD, tăng 12,8% tương ứng tăng hơn 27,8 tỷ USD so với 10 tháng năm 2013. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến hết tháng 10/2014 đạt hơn 145,62 tỷ USD, tăng 13,1% tương ứng tăng hơn 16,91 tỷ USD so với 10 tháng năm 2013 và chiếm 59,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Về xuất khẩu:

Tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10/2014 đạt hơn 7,89 tỷ USD, tăng 27,4% (tương ứng tăng gần 1,7 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 10/2014.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 10 tăng mạnh so với kỳ 1 tháng 10/2014 chủ yếu do tăng giảm ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 463 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 228 triệu USD; máy móc. thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 188 triệu USD; giầy dép các loại tăng 124 triệu USD; hàng thủy sản tăng 94 triệu USD; sắt thép các loại tăng 74 triệu USD;… Trong khi đó chỉ có một số ít nhóm hàng có kim ngạch giảm so với kỳ trước như: Gạo giảm 24 triệu USD; quặng và khoáng sản khác giảm 8 triệu USD; cà phê giảm 8 triệu USD;…

Như vậy, tính đến hết tháng 10/2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hơn 123,83 tỷ USD, tăng 14,1% tương ứng tăng hơn 15,28 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013.

Kim ngạch xuất khẩu

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 10/2014 đạt gần 5,19 tỷ USD, tăng 32% tương ứng tăng gần 1,26 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 10/2014, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng năm 2014 của nhóm các doanh nghiệp này lên hơn 76,85 tỷ USD, tăng 15,3% tương ứng tăng gần hơn 10,19 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và chiếm 61,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu:

Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10/2014 đạt gần 7,52 tỷ USD, tăng 13,3% (tương ứng tăng 884 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 10/2014.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 10/2014 tăng so với kỳ 1 tháng10/2014 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại và linh kiện tăng 205 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 195 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 125 triệu USD; vải các loại tăng 72 triệu USD; sắt thép các loại tăng 51 triệu USD;... Bên cạnh đó một số nhóm hàng có kim ngạch giảm như: Xăng dầu các loại giảm 77 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 21 triệu USD; khi đốt hóa lỏng giảm 15 triệu USD;...

Kim ngạch nhập khẩu

Tính đến hết tháng 10/2014, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 121,47 tỷ USD, tăng 11,5% (tương ứng tăng gần 12,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt gần 4,51 tỷ USD, tăng 19,3% tương ứng tăng 728 triệu USD so với kỳ 1 tháng 10/2014, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đến hết tháng 10/2014 đạt hơn 68,77 tỷ USD, tăng 10,8% tương ứng tăng gần 6,72 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 56,6% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam.

Như vậy, trong kỳ 2 tháng 10/2014, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư gần 374 triệu USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa cả nước từ đầu năm đến hết tháng 10/2014 lên hơn 2,36 tỷ USD.

Tuy nhiên, xét riêng khối doanh nghiệp FDI, tính đến cuối tháng 10, thặng dư thương mại hàng hóa của khối này từ đầu năm đã lên đến 8,08 tỷ USD, trong đó, đóng góp của kỳ 2 tháng 10/2014 là 679 triệu USD.

Mức thặng dư thương mại của riêng khối doanh nghiệp FDI đã đạt 8,08 tỷ USD nhưng mức thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước chỉ là 2,36 tỷ USD, qua đó có thể thấy, ngoài việc đóng vai trò động lực chủ yếu cho xuất khẩu hàng hóa (chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu), khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn “gánh” luôn cả phần thâm hụt tới 5,62 tỷ USD của khu vực sản xuất trong nước.

Số liệu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa

Đồng thời, cũng theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, mức thâm hụt cán cân thương mại lớn và chủ yếu nhất vẫn đến từ thị trường Trung Quốc khi mà trong chỉ 10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu tới 23,1 tỷ USD từ thị trường này. Cụ thể,trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng khá mạnh lên mức 35,6 tỷ USD, thì chiều ngược lại được ghi nhận lại là khá khiêm tốn với chỉ 12,5 tỷ USD.

Tại hội thảo “Kinh tế Thế giới & Việt Nam – Thực trạng 2014 & triển vọng 2015” mới diễn ra đầu tháng 11, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đã nhận xét “tăng trưởng kinh tế còn rất mong manh” khi đi sâu đề cập đến cốt lõi của câu chuyện xuất nhập khẩu, động lực quan trọng của tăng trưởng. Sau khi “bóc tách” cụ thể về cơ cấu của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, vị chuyên gia này đã chỉ ra rằng khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhât (và ngày càng gia tăng), đồng thời cũng là lực lượng chủ yếu thúc đẩy kinh tế chính là khối các doanh nghiệp FDI. Đang tồn tại một thực tế, trong khi giá trị xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng tăng mạnh thì sự đóng góp của khu vực sản xuất nội địa lại ngày càng giảm xuống.

Rõ ràng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng, cán cân thương mại cũng thặng dư nhưng chỉ cần nhìn vào một vài con số thống kê cũng có thể thấy thực lực của nền kinh tế vẫn còn rất yếu, sức sản xuất của khu vực nội địa cũng còn rất hạn chế và diễn biến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đang bộc lộ nhiều dấu hiệu “lệch pha”.

N.G

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến