Dòng sự kiện:
Thành công của NHNN năm 2018 tạo tiền tề củng cố nội lực hơn trong năm 2019
09/05/2019 17:37:58
Sang năm 2019, NHNN sẽ điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Năm 2018, trong môi trường quốc tế đầy biến động, Chính phủ đã hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Để có được những kết quả này, trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng của cả nền kinh tế.

Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng

Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công của ngành Ngân hàng, với các thành tựu được Đảng, Nhà nước, các thành phần trong nền kinh tế, cũng như các tổ chức và các nhà đầu tư quốc tế ghi nhận. Việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đã góp phần tích cực đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo nền tảng quan trọng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở bám sát chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, NHNN đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt và đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế:

Về lạm phát: NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp (bình quân năm 2016: 1,83%; 2017: 1,41%; 2018: 1,48%), tạo dư địa cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đảm bảo kiểm soát lạm phát chung theo đúng mục tiêu, năm 2018 ở mức 3,54%. NHNN thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành về điều hành CSTT, giá hàng hóa dịch vụ, dự báo lạm phát, làm cơ sở để điều hành giá các mặt hàng Nhà nước quản lý phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát chung.

Về lãi suất: Trong bối cảnh lãi suất trên thế giới tăng ở cả nhóm các nước phát triển như Mỹ (4 lần) và nhóm các nước mới nổi (Argentina tăng 6 lần, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 3 lần, Ấn Độ tăng 2 lần, Philippines tăng 4 lần, Indonesia tăng 6 lần) thì lãi suất trong nước được NHNN điều hành khá ổn định, thậm chí giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm (giảm từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm), nhằm hỗ trợ thanh khoản và góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD; mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng được duy trì ở mức phù hợp, lãi suất cho vay khá ổn định phổ biến trong khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm.

Về tỷ giá: Trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền của các thị trường mới nổi đều mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ (USD), một số nước bị giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp ổn định tỷ giá, thì tỷ giá trong nước diễn biến khá ổn định: tỷ giá thị trường tăng khoảng 2,2-2,3%, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút vốn đầu tư (FDI thực hiện tăng 9,1%) và hỗ trợ xuất khẩu (xuất siêu năm 2018 đạt 6,8 tỉ USD); thị trường ngoại tệ ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố; hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối; thị trường vàng trong nước diễn biến ổn định.

Trong điều hành tín dụng: Tốc độ tăng tín dụng được kiểm soát ở mức hợp lý. NHNN chú trọng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến cuối năm 2018, tín dụng tăng 13,89% so với cuối năm trước (năm 2017 tăng 18,28%); trong đó, tín dụng tiền đồng (VNĐ) tăng 15,49% (năm 2017 tăng 18,34%); tín dụng ngoại tệ giảm 5,06% (năm 2017 tăng 17,66%) phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ. Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá. Ngoài ra, NHNN liên tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận vốn tín dụng, tổ chức trên 370 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực.

Bước sang năm 2019, NHNN sẽ điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng và đồng bộ các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra. Điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các TCTD ở mức hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu CSTT. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu CSTT. Tái cấp vốn cho TCTD đề hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, biện pháp can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.

Thứ hai, điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán,…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

Ngoài ra, trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu: NHNN xác định mục tiêu: Tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững…

Trong hoạt động thanh toán, NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán của người dân; Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016, và triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018; Đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc; Triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện tại Việt Nam; Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ...

Mai An

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến