Thanh Hóa: Ai “bật đèn xanh” cho DN khai thác khoáng sản quý hiếm?
18/09/2014 13:37:39
ANTT.VN - Tại Bản Chiềng, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân,Thanh Hóa đang có sự bảo kê cho doanh nghiệp tự do khai thác khoáng sản quý hiếm trái phép khiến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn.
Thời gian gần đây, tại Bản Chiềng, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đang có sự bảo kê cho doanh nghiệp tự do khai thác khoáng sản quý hiếm trái phép khiến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn.

Mặc dù người dân đã phản ánh với chính quyền cấp xã, cấp huyện nhưng vẫn chưa có ai "thấu". Nhiều cán bộ tỏ ra bất bình, bức xúc nhưng người có trách nhiệm lại trả lời vòng vo, phó thác: "Chúng tôi chưa biết điều này".

Không giấy phép vẫn khai thác công khai?

Dọc theo tuyến đường 507, ngược dốc đèo về phía Tây cách trung tâm huyện hơn 60km, chúng tôi tìm về Bản Chiềng, xã Bát Mọt. Đây là một xã vùng cao biên giới của huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), giáp ranh tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Con đường lên vùng biên gập ghềnh. Những ổ voi, ổ gà... đã minh chứng cho sự tàn phá thiên nhiên, khoáng sản và hệ thống giao thông của những chiếc xe tải chở khoáng sản hiếm tại khu vực này.

Để mục sở thị vùng khai thác quặng quý hiếm theo như phản ánh của người dân, chúng tôi đã "đột kích" tới điểm mỏ thuộc thôn Bản Chiềng. Tại đây, vào thời điểm buổi trưa, trời nắng gắt, những chiếc máy xúc vẫn ngang nhiên đào bới hết công suất. Điều đầu tiên xuất hiện trước mắt PV là những khu đất ở hai ven đường thôn Bản Chiềng đã bị khai thác nham nhở, chỉ còn trơ lại những bãi đất trống đỏ quạch.

Bát Mọt là một xã thuộc vùng biên giới, có lực lượng của bộ đội biên phòng (đồn Biên Phòng Bát Mọt) quản lý, canh gác. Với thế trận an ninh như vậy, nhưng không hiểu sao doanh nghiệp nọ vẫn ngang nhiên hoạt động, thay đổi hiện trạng cả một vùng đất. Theo như phản ánh của người dân, đã gần một năm nay, hệ thống máy móc, cơ giới vẫn ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép mà không có sự can thiệp từ phía chính quyền.

Chị Lò T.T., thôn Bản Chiềng bức xúc nói: "Từ ngày công ty vào hoạt động khai thác tại đây đã gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân địa phương. ảnh hưởng lớn nhất là vấn đề về giao thông. Những chiếc xe trọng tải lớn chạy với mật độ cao khiến đường trong thôn bản bị phá hỏng nặng nề. Mỗi khi trời mưa, người dân trong thôn bị cô lập vì đường trơn trượt, lầy lội không thể đi được. Còn những lúc trời nắng bụi bay mù mịt, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng".

Qua tìm hiểu PV được biết, ở những khu vực đang bị khai thác chủ yếu là đất rừng. Những lô đất này Nhà nước đã bàn giao cho nhân dân trước đó để tái sinh, nằm trong chính sách giao đất, giao rừng. Theo những người dân tại Bản Chiềng cho biết, vào năm 2012 một doanh nghiệp mang tên Anh Phát đã đến mua lại một số lô đất của người dân địa phương. Người dân sinh sống trong các khu vực có mỏ đã hết sức vui mừng vì bán được đất với giá cao. Đầu năm 2014 doanh nghiệp này bắt đầu đi vào hoạt động khai thác khoáng sản quý hiếm, gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, lợi ích đâu chưa thấy, chỉ thấy những hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc khai thác khoáng sản đem lại.

"Năm 2012, có một công ty đến mua lại đất của người dân chúng tôi. Họ nói với bà con dân bản là mua lại đất để trồng chè. Sau đó nhiều người dân đã đồng ý bán lại. Có hộ bán với giá 300 triệu đồng, hộ có diện tích nhỏ nhất cũng bán được với giá gần 100 triệu đồng. Nhưng đến đầu năm 2014, chúng tôi mới phát hiện đã bị doanh nghiệp phá đất, phá rừng và đào bới đất mang đi chứ không phải họ mua đất để trồng chè như lời hứa trước đó. Thậm chí, đất cát họ khai thác còn san lấp hết cả ruộng của người dân chúng tôi ở phía dưới chân đồi. Điều khiến chúng tôi rất lo lắng khi mùa mưa lũ về dễ làm sạt lở đất đai, ảnh hưởng đến những hộ dân phía dưới chân núi. Nhiều người dân đã có sự phản đối, kiến nghị lên chính quyền địa phương thì doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động một thời gian. Nhưng mới đây doanh nghiệp đã hoạt động trở lại bình thường", một người dân bức xúc nói.

Lấy cớ thăm dò, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép gần một năm nay.

Có sự tiếp tay của chính quyền địa phương?

Theo người dân địa phương, sau khi họ phản ánh việc doanh nghiệp nọ ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép tại Bản Chiềng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, làm mất đất đai canh tác của nhiều hộ gia đình. Các cơ quan chức năng có đến kiểm tra nhưng không có giải pháp ngăn chặn và xử lý. Người dân cũng đặt ra câu hỏi, liệu có sự bảo kê nào ở đây không?

Được biết, vào đầu tháng 11/2013, tỉnh Thanh Hóa có công văn đồng ý về mặt chủ trương, cho phép một công ty đóng trên địa bàn được lập hồ sơ để khai thác tận thu khoáng sản tại xã Bát Mọt. Đồng thời, yêu cầu công ty tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. "UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý về mặt chủ trương cho thăm dò, hướng dẫn đơn vị liên quan, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thủ tục hồ sơ theo quy định để đề nghị bộ TN&MT khoanh định điểm mỏ trên" - công văn nêu. Lợi dụng chủ trương thăm dò,  công ty này đã đem máy móc, nhân công vào khai thác một cách công khai.

Người dân địa phương cũng cho biết thêm, ở đây có rất nhiều khoáng sản quý hiếm, trong vườn nhà nào hầu như cũng có. Mỗi khi dân bản đào nền nhà cũng gặp khoáng sản. Bởi loại khoáng sản này nằm lộ thiên ngay trên mặt đất nên dễ dàng khai thác.   

Một cán bộ lãnh đạo huyện Thường Xuân chia sẻ: "Đây đúng là một hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, không thông qua sự cho phép của chính quyền huyện. Hoạt động này diễn ra ngay tại địa phận biên giới, nó không chỉ ảnh hưởng tới trật tự an ninh khu vực mà còn ảnh hưởng xấu đến đời sống an sinh của nhân dân, làm thu hẹp đất sản xuất, ô nhiễm môi trường, gây lãng phí nguồn tài nguyên. Chúng tôi cũng rất trăn trở về thực trạng này, lãnh đạo huyện đã  nhiều lần nhắc nhở và hai lần lập biên bản xử lý, yêu cầu dừng ngay hoạt động khai thác này lại, nhưng vẫn không có sự thay đổi nào...".

Sau những phút  lo ngại ban đầu, vị này đã trao đổi cởi mở với chúng tôi, ông cho rằng: "Rõ ràng đây là lợi ích nhóm, đằng sau hoạt động khai thác trái phép và rất ngang nhiên này còn có một thế lực chống đỡ mà huyện không thể ngăn nổi. Chúng tôi cũng rất mong nhanh chóng ngăn chặn được tình hình".

 Một cán bộ thuộc phòng CSGT tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thời gian gần đây, những chiếc xe vận tải kích cỡ lớn do công ty vận chuyển Đức Cường đảm nhiệm chở khoáng sản quý hiếm đang hoạt động rầm rộ ở huyện Thường Xuân. Nghe đâu họ đảm nhận vận chuyển cho một doanh nghiệp khác đang khai thác mỏ khoáng sản từ các xã giáp ranh vùng biên giới. Quá trình vận chuyển đã tàn phá mạnh hệ thống giao thông huyện, đường sá hư hỏng nặng, đồng thời gây ô nhiễm môi trường.  Nhiều lần chúng tôi "tuýt còi" thì ngay sau đó đã có sự bảo lãnh...".

Chưa thể khẳng định có hay không việc các cơ quan chức năng ở địa phương đã "bật đèn xanh" cho công ty  khai thác khoáng sản quý hiếm trái phép tại xã Bát Mọt để trục lợi, chia chác(?!). Nhưng có một điều chắc chắn rằng, việc công ty Anh Phát ngang nhiên lấy cớ thăm dò để rầm rộ khai thác và vận chuyển trái phép một khối lượng lớn khoáng sản trong suốt gần một năm qua mà không có sự can thiệp và xử lý cứng rắn của lãnh đạo địa phương thì quả đúng là  "chuyện lạ có thật" đang diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa.

Nhiều người dân còn muốn biết, khoáng sản hiếm trên thuộc loại gì (vàng, quặng, đất hiếm...), mà doanh nghiệp đã bất chấp quy định của pháp luật để khai thác như vậy?                          

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Hường, Phó Chủ tịch huyện Thường Xuân cho biết: "Thời gian gần đây tỉnh Thanh Hóa có văn bản về việc bàn giao cho công ty Anh Phát thăm dò để đánh giá trữ lượng mỏ quặng tại xã Bát Mọt. Cái này tỉnh cũng đã có văn bản gửi ra ngoài Bộ và đang làm mọi quy trình thủ tục nhưng chưa xong. Còn chuyện doanh nghiệp đó có khai thác hay không thì chúng tôi chưa nắm rõ" (!?).

Nhóm PV

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến