Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Đối phó với nguy cơ ngập lụt do mưa lớn sau bão
15/09/2017 22:22:16
Mặc dù cơn bão số 10 đã chuyển hướng sang Lào, nhưng tại Thanh Hóa thời điểm này, mưa vẫn rất to trên diện rộng, các địa phương đối mặt với nguy cơ ngập lụt.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, trong đêm nay và ngày mai (16/9), ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa 50 - 150mm, có nơi trên 200mm. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi là rất lớn. 

 

Các địa phương đối mặt với nguy cơ ngập lụt do mưa lớn sau bão

Cho đến chiều 15/9, trên địa bàn Thanh Hóa vẫn mưa lớn trên diện rộng, khiến một số xã miền núi ngập trong nước như Thường Xuân, Như Thanh.

Theo ghi nhận tại TP Thanh Hóa, một số tuyến phố bị ngập nước như Trường Thi, Hải Thượng Lãn Ông…

Tại các xã ven biển như xã Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, các đầm nuôi tôm của người dân gần như bị mất trắng do sóng biển đánh dồn dập.

Sầm Sơn chìm trong biển nước

Tại các vùng ven biển, đặc biệt tại TP Sầm Sơn, mưa lớn cùng với sóng biển dâng khiến thành phố ngập trong biển nước cùng rất nhiều rác thải.

 

 TP Sầm Sơn ngập trong rác 

Tại xã đảo Nghi Sơn, huyện Hoằng Hoá, sóng biển dâng cao khiến các hộ dân bị nước tràn vào nhà, đường sá chìm trong nước. Theo thống kê ban đầu của UBND xã Nghi Sơn, nhiều công trình phụ đã sóng đánh tan và khiến ít nhất 2 ngôi nhà dân bị hư hỏng. 

 

Nhiều nhà dân ở xã đảo Nghi Sơn bị ngập trong nước

Mặc dù trước đó, người dân đã chủ động đưa 1.391 lồng cá nuôi trên biển vào gần bờ chằng chống nhưng sóng quá mạnh đã làm hàng chục lồng cá bị đứt dây và bị sóng đánh tan tành.

Tại huyện Hoằng Hóa, nước biển dâng, sóng lớn cũng đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Theo thống kê mới nhất của UBND xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, đã có 2 khu đồng tôm của người dân nuôi tôm đến kỳ thu hoạch bị sóng đánh vỡ đồng, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Để đối phó với nguy cơ mưa lũ sau bão, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa tập trung đảm bảo an toàn cho người dân ở ven sông, ven biển, miền núi, vùng dễ bị sạt lở. Các địa phương trong tỉnh tập trung lực lượng, phương tiện sẵn sàng tiêu úng cho diện tích cây trồng; tiếp tục theo dõi hệ thống hồ đập.

Bên cạnh đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành và chính quyền các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai phương án di dân ở khu vực nguy hiểm; đồng thời rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân sinh sống ở khu vực ven biển cách mép nước 200m khi có lệnh.


Lương Thị - Hà Khải
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến