Dự án đê, kè biển Quảng Thái, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2012 với tổng mức đầu tư khoảng 160 tỷ đồng.
Đến tháng 12/2016, dự án được điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư lên gần 182 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 36 tháng. Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hình ảnh ngổn ngang tại dự án
Theo phê duyệt, dự án sẽ xây dựng tuyến đê, kè từ khu vực Cục V26 (xã Quảng Lưu) đến thôn 8 (xã Quảng Thái) với tổng chiều dài khoảng 3,4km.
Dự án được ngân sách Trung ương bố trí đủ 45 tỷ đồng, hơn 136 tỷ đồng còn lại do địa phương cân đối, huy động. Sau 6 năm, vốn Trung ương đã sử dụng gần hết, cũng là lúc UBND tỉnh Thanh Hóa dừng kỹ thuật dự án vì phần vốn còn lại không bố trí được theo tiến độ.
Đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh, xin lùi thời gian, dự án vẫn thi công dang dở, không những ảnh hưởng tới đời sống của người dân địa phương, mà còn không đạt mục tiêu phòng, chống lụt bão.
Ghi nhận thực tế cho thấy, đoạn đê, kè đi qua chùa Diên Phúc, xã Quảng Thái đã cơ bản hoàn thành với chiều dài hơn 1km. Tuy nhiên, trên công trường không còn máy móc, công nhân thi công... Ngoài ra, một đoạn khác trên địa bàn xã Quảng Lưu cũng đã được thi công với chiều dài hơn 200m.
Một số hạng mục đã hoàn thành
Toàn tuyến đê của dự án có khoảng 300 hộ dân bị ảnh hưởng. Việc thi công dang dở nhiều năm khiến đời sống, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi thấy họ đã thi công tuyến đê này lâu lắm rồi nhưng không hiểu sao dở dang đến tận bây giờ. Thi thoảng thấy nhân công bỏ được vài tảng bê tông rồi lại bỏ đó. Mỗi khi mưa bão, ngư dân chúng tôi không có nơi để tàu bè, mong các cơ quan chức năng sớm có phương án đẩy nhanh tiến độ”, một người dân cho biết.
Dự án dở dang ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương
Trong khi đó, nhiều hộ có đất đai trong vùng quy hoạch dự án không được phép xây dựng, chuyển đổi, mua bán, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của họ.
Trước đó, khi triển khai dự án đã phải chặt bỏ nhiều diện tích rừng phi lao, trong khi đê, kè làm chưa xong khiến nước biển xâm thực nhiều nơi, đe dọa cuộc sống dân sinh của bà con sống ven biển.
Tuyến đê không hoàn thành do thiếu vốn và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải điều chỉnh thi công dự án tới điểm dừng kĩ thuật với chiều dài tuyến đê, kè là 1,4 km (tổng vốn trên 41 tỉ đồng, đạt 43% so với kế hoạch ban đầu.
Ông Phạm Trung Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, cho biết: “Địa phương chúng tôi muốn đẩy mạnh phát triển du lịch biển, tuy nhiên điều này chỉ thực hiện khi đường đê hoàn thành, còn nếu đường đê cứ dở dang như này thì phát triển du lịch khó thực hiện”.
Dù dự án đã được điều chỉnh xuống còn 1,4km toàn tuyến, thế nhưng công trình vẫn thi công cầm chừng, buộc UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản đồng ý cho dự án kéo dài đến hết 31/12/2022. Dù vậy, trước thực tế đang diễn ra, người dân địa phương vẫn lo ngại không biết dự án bao giờ mới hoàn thành.
Đời sống và Pháp luật tiếp tục thông tin./.
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy