Hồi sinh những mái ấm
“Chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến việc được ở trong căn nhà thế này…”, chị Lương Thị Lan (39 tuổi), trú bản Hát, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn cũ, nghẹn ngào khi đứng trước ngôi nhà vừa hoàn thiện – thành quả từ sự chung tay của Nhà nước, họ hàng và cộng đồng.
Chị Lan là mẹ đơn thân, một mình nuôi 3 con nhỏ, trong đó con gái lớn bị bệnh tim bẩm sinh, thường xuyên phải xuống Hà Nội điều trị. Nhiều năm qua, 4 mẹ con chị sống trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, mỗi mùa mưa đều thấp thỏm lo lắng.
Ngôi nhà mới trị giá khoảng 160 triệu đồng, trong đó 80 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ, phần còn lại do họ hàng và hàng xóm góp công, góp của. “Mẹ con tôi giờ đã có nơi che mưa che nắng tử tế. Tôi biết ơn tất cả những tấm lòng đã giúp đỡ”, chị nói.
Hoàn cảnh của bà Lê Thị Chiên (71 tuổi, khu phố Oi, xã Linh Sơn) cũng từng khó khăn không kém. Bà sống cùng con gái bị khuyết tật nặng trong căn nhà dột nát. Chương trình xóa nhà tạm đã hỗ trợ 80 triệu đồng, cùng sự đóng góp 70 triệu đồng của doanh nghiệp và lực lượng công an địa phương, giúp bà dựng được căn nhà kiên cố.
Ngày nhận chìa khóa, ánh mắt bà rưng rưng: “Tôi mừng đến mất ngủ… từ giờ chẳng còn sợ mưa gió nữa”.
Ông Lương Văn Tiêu hạnh phúc khi căn nhà mới dần hoàn thiện
Ở thôn Mơ Thắm, xã Tân Thành, ông Lương Văn Tiêu cũng vừa hoàn thiện ngôi nhà mới sau nhiều năm sống trong ngôi nhà chắp vá. Ông nói, giọng nhẹ nhõm: “Có nhà mới rồi, mưa gió cũng không còn là nỗi ám ảnh nữa”.
Chạy đua với thời gian, quyết xóa nhà tạm trước mùa mưa
Theo Sở Dân tộc và Tôn giáo Thanh Hóa, tính đến ngày 16/7/2025, toàn tỉnh đã khởi công và hoàn thành 14.780 căn nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách; trong đó 13.501 căn đã bàn giao cho người dân sử dụng. Đáng chú ý, 100% nhà ở cho thân nhân liệt sĩ, người có công đã hoàn thành sớm hơn 26 ngày so với kế hoạch Trung ương giao.
Tổng kinh phí huy động cho chương trình vượt 1.584 tỷ đồng; ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 385 tỷ đồng, phần còn lại do các tổ chức, cá nhân, dòng họ và cộng đồng đóng góp. “Chính sự chung tay ấy đã giúp những mái nhà hồi sinh, mang đến sự an cư – nền tảng để người nghèo yên tâm mưu sinh”, đại diện Sở Dân tộc và Tôn giáo cho biết.
Hành trình dựng lại hàng nghìn mái ấm không hề dễ dàng. Thanh Hóa có địa bàn rộng, hơn 1,1 triệu dân sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều xã đang bước vào mùa mưa bão, đường sá đi lại khó khăn, giá vật liệu tăng… khiến tiến độ xây dựng bị thử thách.
Hiện 125 địa phương đã hoàn thành xóa nhà tạm, song còn 41 địa phương chưa cán đích, trong đó có những xã miền núi như Điền Quang, Pù Luông, Mường Lý, Mường Chanh… đang chạy đua từng ngày để kịp tiến độ.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh: “Xóa nhà tạm không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là nghĩa cử nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong chăm lo đời sống nhân dân”. Ông yêu cầu lãnh đạo 41 địa phương còn lại huy động tối đa nguồn lực, phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình trước ngày 20/8/2025 – sớm hơn kế hoạch 1 tháng.
Từ những căn nhà khang trang mới xây, hàng nghìn hộ nghèo ở vùng cao Thanh Hóa bước vào mùa mưa bão năm nay với tâm thế khác hẳn. Không còn nỗi lo mỗi cơn gió mạnh hay trận mưa dài sẽ cuốn đi mái nhà, người dân đã có điểm tựa để ổn định cuộc sống, nuôi hy vọng vào tương lai.
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy