Dòng sự kiện:
Thanh Hóa kiến nghị Trung ương hỗ trợ 580 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ
16/10/2017 11:07:46
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ 580 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở các tuyến đê và các công trình giao thông.

Chiều 15/10, ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa về công tác khắc phục hậu quả sau lũ lụt.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trực tiếp đi kiểm tra tình trạng sạt lở đê sông Chu tại xã Thọ Trường, sông Cầu Chày tại xã Xuân Minh và thăm một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi ngập lụt nặng nề trên địa bàn xã Xuân Sơn (huyện Thọ Xuân).

Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác thị sát tại tuyến đê sông Chu (huyện Thọ Xuân).

Phó Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương tỉnh Thanh Hóa đã chủ động, tích cực trong việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo, trước mắt Thanh Hóa cần tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ tích cực người dân vùng ảnh hưởng mưa lũ, đồng thời quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, dịch bệnh, đảm bảo nước sạch cho nhân dân. Bên cạnh đó, chủ động ứng phó với cơn bão số 11 dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền trong vài ngày tới.

Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cùng đoàn công tác của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh Thanh Hoá 580 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở các tuyến đê và các công trình giao thông bị hư hỏng gồm: Đê tả sông Chu ở xã Thọ Minh và xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân; đê hữu sông Mã, thành phố Thanh Hoá; đê sông Hoàng, huyện Nông Cống; đê tả sông Cầu Chày, xã Yên Giang và đê sông Hép, xã Yên Tâm, huyện Yên Định cùng các công trình giao thông khác...

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Thanh Hoá một số dự án đầu tư, nâng cấp các tuyến đê sông Chu với tổng kinh phí khoảng 700 tỷ đồng.

Phó thủ tướng thăm hỏi người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ tại huyện Thọ Xuân.

Ngoài ra, Thanh Hoá đề nghị Trung ương quan tâm bố trí kinh phí ngân sách Trung ương để hỗ trợ các gia đình có gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi và vùng nuôi trồng thủy sản bị ngập do mưa lũ; hỗ trợ Thanh Hoá một số giống cây trồng để khôi phục sản xuất cho vụ Đông năm 2017 - 2018; cho chủ trương để lập dự án đầu tư nâng cấp các tuyến đê hữu sông Cầu Chày, đê sông Hoạt và đê sông Thị Long từ nguồn vốn ODA với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trước những đề xuất của tỉnh Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê lại các thiệt hại để báo cáo lên Chính phủ. Chính phủ sẽ rà soát lại nguồn kinh phí dự phòng, ngân sách trung hạn để có quyết định phân bổ, hỗ trợ Thanh Hóa cũng như các tỉnh khác trong việc khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn trên cơ sở tổng hợp báo cáo thiệt hại cũng như kiến nghị của tỉnh sẽ cân đối nguồn vốn, hỗ trợ Thanh Hóa khôi phục sản xuất. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và ủng hộ chủ trương tìm kiếm nguồn vay ODA để sửa chữa, khắc phục, nâng cấp hệ thống đê điều của Thanh Hóa.

Tính đến 16/10, hậu quả mưa lũ tại Thanh Hóa đã có 16 người chết; 5 người bị thương; 5 người mất tích. 55 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 172 ngôi nhà bị thiệt hại một phần; 28.146 ngôi nhà bị ngập; 144 ngôi nhà bị ảnh hưởng sạt lở đất. 05 đập thủy lợi nhỏ bị sạt lở, hư hỏng; 23 đập thủy lợi nhỏ bị vỡ; 21 trạm bơm bị hư hỏng; 23 hồ nhỏ bị sạt lở; 21.479m kênh, mương sạt lở, hư hỏng; 37 cống nội đồng bị hư hỏng.

Bên cạnh đó, 28.833ha cây hàng năm và cây vụ đông bị thiệt hại, 6.455 con gia súc (lợn, bò, dê), 210.355 con gia cầm, 0,7 tấn ếch nuôi, 130 bọng ong bị cuốn trôi và 1,5 tấn thức ăn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 747 chuồng trại chăn nuôi bị ngập. 6.055 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 271,3 ha nuôi tôm quảng canh, 18 ha nuôi tôm thâm canh, 04 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Nhiều tuyến đường giao thông và các công trình hạ tầng công cộng khác bị sạt lở, hư hại nghiêm trọng…

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến