Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Rủi ro tiềm ẩn bởi hàng nghìn người phải chèo đò qua sông Mã
10/03/2020 09:27:18
Trận lũ kinh hoàng năm 2018 đã phá hủy cầu treo bắc qua sông Mã ở xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) khiến hàng nghìn người dân phải chèo đò qua sông mỗi ngày, tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm.

Cầu treo bản Pan, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) được xây dựng năm 2000, nối đôi bờ sông Mã. Trận lũ lớn năm 2018 đã phá hủy hoàn toàn cây cầu này khiến cho việc đi lại của hơn 1.500 nhân khẩu tại các bản Mí, Pé, Bá ở phía bên kia bờ sông gặp nhiều khó khăn.

Muốn đi lại họ chỉ còn cách đi đò qua sông, những ngày nắng còn đỡ, khi mưa xuống lũ dâng lên, thì họ gần như bị cô lập không thể đi lại.

Mỗi lần chở hàng hóa qua sông, người dân vô cùng vất vả và nguy hiểm

Bà Hà Thị Ly (bản Bá, xã Phú Xuân) đã hơn 2 năm gắn bó với công việc chèo đò cho biết, vợ chồng bà thay phiên nhau chèo đò hàng ngày, không kể nắng mưa, ngày nào cũng làm việc từ sáng tinh mơ cho đến đêm muộn.

Cây cầu treo đã hư hỏng nặng từ năm 2018

Bà Ly cho biết: “Mỗi ngày có khoảng hơn 300 lượt người qua lại. Công việc rất là vất vả, mùa khô này thì còn đi lại được, chứ khi mùa lũ đến thì không thể nào mà qua sông được vì lũ quá dữ. Mỗi khi như thế, dân bản lại bị cô lập. Chúng tôi chỉ mong mỏi sao cho sớm có được cây cầu cho đỡ khổ”.

Con đò nhỏ chỉ chở được khoảng 10-15 người mỗi chuyến

Mỗi tháng vợ chồng ông bà được trả 5 triệu đồng tiền công, số tiền từ đóng góp của nhân dân địa phương. Mỗi người dân muốn qua đò thì đóng 35 nghìn đồng/năm, ngoài ra mỗi chuyến xe máy đi đò sẽ phải đóng phí 10 nghìn đồng.

Mùa nước cạn, sông Mã hiền hòa, nhưng khi lũ lên, nước cuộn dữ dằn không ai dám qua sông

Chỉ vào chiếc xuồng nhỏ chòng chành, bà Ly phàn nàn rằng, nó đã bị thủng nên thường xuyên phải tát nước. Mỗi chuyến qua lại chỉ chở được chừng nhiều nhất là 15 người.

“Không ít lần đã có người ngã xuống sông vì xe cộ, hàng hóa cồng kềnh. Nhưng cũng may mùa khô nước sông chưa sâu nên không nguy hiểm đến tính mạng”, người lái đò kể. 

Một sợi dây được kéo qua sông để người lái đò níu theo

Ông Hà Văn Đông, bản Pan cũng cho biết thêm: “Giao thông không thuận tiện nên việc vận chuyển hàng hóa buôn bán cũng vô vàn bất cập. Người dân ở phía bên kia sông muốn xây nhà cửa cũng không dám vì khó vận chuyển vật liệu, hơn thế nữa chi phí sẽ rất cao. Muốn mua bán hàng hóa rất khó khăn vì thế kinh tế địa phương khó phát triển được”.

Ở cách đó không xa là cây cầu cũ vẫn nằm vắt vẻo ngang sông nhưng đã hư hỏng nặng. Dù vậy, vào những thời điểm phải chờ đò quá lâu do người lái đò nghỉ ăn trưa hoặc quá đông người, vẫn có những người mạo hiểm leo qua cây cầu gãy để sang bên kia sông.

Gần đó là cây cầu treo đã hỏng do lũ, vẫn có người mạo hiểm leo qua

Anh Phạm Văn Tuấn, xã Phú Xuân cho biết, anh leo qua cây cầu này nhiều lần nên đã quen. Mặc dù biết là nguy hiểm nhưng vì không muốn phải đợi đò lâu mất thời gian nên anh thường tự leo qua cầu.

Ông Phạm Bá Diệm, Bí thư huyện ủy Quan Hóa cho biết, trận lũ lớn năm 2018 đã phá hủy cây cầu treo. Huyện cùng Sở Giao thông vận tải đã thẩm định, nhưng không thể khắc phục, sửa chữa. Trước mắt chỉ có thể bố trí để người dân đi lại bằng xuồng trong thời gian chờ cầu mới được xây.

Người dân phải lùi xe xuống thuyền để qua sông

Trách nhiệm xây cầu mới thuộc Thủy điện Hồi Xuân. Tuy nhiên, sau khi làm được 2 mố cầu thì việc thi công bị dừng lại vô thời hạn bởi doanh nghiệp khó khăn về vốn.

“Huyện đã nhiều lần phản ánh, thậm chí tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo, yêu cầu thủy điện Hồi Xuân hoàn thiện cây cầu cho dân nhưng đơn vị này vẫn chưa thực hiện. Mặc dù rất mong muốn tháo gỡ khó khăn cho người nhưng chúng tôi cũng lực bất tòng tâm”, ông Diệm nói.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến