Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Thu hơn 5,9 tỷ đồng từ 2.033 vụ gian lận thương mại
10/01/2022 12:10:32
Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường các biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, buôn hàng giả, nhái trong dịp Tết 2022.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, với trách nhiệm là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt tập trung làm tốt công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường để có giải pháp kiểm tra, xử lý hiệu quả, điều tra, triệt phá các tụ điểm tập kết, kinh doanh, nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới. Chú trọng thanh tra, kiểm soát các lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm, đặc biệt là các mặt hàng, thiết bị phòng chống dịch COVID-19, hàng hóa kinh doanh trên môi trường điện tử, các mặt hàng có tác động lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Tính từ đầu năm đến nay, Cục QLTT Thanh Hóa đã phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, vận động 1.707 lượt tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn ký cam kết chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại; không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm.


Lực lượng QLTT Thanh Hóa đã làm tốt công tác đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn

Với các hành động quyết liệt, trong năm 2021, Cục QLTT đã xử lý 2.033 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... với tổng số tiền thu hơn 5,9 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục QLTT Thanh Hóa, hoạt động buôn lậu, vận chuyển tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm trên địa bàn tỉnh ít nổi cộm, chủ yếu thẩm lẩu theo hai tuyến từ các tỉnh phía Nam ra và từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào đi qua hoặc đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng như: vải, quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, điện thoại, linh kiện điện thoại di động, đồ điện tử, rượu ngoại, sản phẩm động vật, củ quả…

Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn chia nhỏ vận chuyển trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe taxi, cất giấu, ngụy trang nằm trong cấp các mặt hàng tiêu dùng khác; khi vận chuyển thì thay đổi xe biển số xe, thay đổi thời gian, tuyến đường vận chuyển; hợp pháp hóa hàng nhập lậu bằng hóa đơn phải quay vào hóa đơn, gây khó khăn cho công tác điều tra phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, quyền Cục trưởng QLTT Thanh Hóa cho biết, xác định từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép, hàng giả, gian lận thương mại dự báo sẽ diễn biến phức tạp, Cục Quản lý thị trường đã xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2021; trước, trong và sau tết nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trong đó, chủ động, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát thị trường hàng hóa trong dịp Tết 2022

Tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm: quần áo, giày dép, lương thực, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, gà, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, hàng điện tử, điện lạnh, các mặt hàng phục vụ phòng có các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch như: khẩu trang, nước sát khuẩn, nhiệt kế.

Đồng thời, kiểm tra các biểu hiện hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá trái pháp luật; hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt. Ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Lương Diễn
 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến