Dòng sự kiện:
Thanh Hóa thu hút 37 dự án FDI của Hàn Quốc với tổng vốn 3 tỷ USD
25/03/2022 13:45:16
Trong sự tăng trưởng đột phá của tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa của Thanh Hóa, Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng khi là đối tác lớn thứ 4 của các doanh nghiệp XK tỉnh này,

Trong các ngày từ 24 đến 26/3, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đồng chủ trì tổ chức hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc tại tỉnh Thanh Hóa.

Tại hội nghị, báo cáo cho biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 37 dự án FDI của Hàn Quốc và liên doanh Hàn Quốc - Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng hơn 3 tỷ USD. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã viện trợ cho Thanh Hóa 5 dự án ODA, với tổng nguồn vốn hơn 98 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông, phát triển đô thị. Các dự án triển khai hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách địa phương.

Lễ Ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Thanh Hoá và Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA).

Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Thanh Hóa, Phòng Thương mại và Công nghiệp phía Bắc, tỉnh Chungcheong Nam đã phối hợp tổ chức thành công hội nghị khảo sát và xúc tiến đầu tư kinh tế tại tỉnh Thanh Hóa. Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có công suất thiết kế 1.200 MW, với tổng vốn đầu tư gần 2.793 triệu USD, do Tổng Công ty Điện lực Hàn Quốc đóng góp 50% nguồn vốn với các đối tác Nhật Bản làm chủ đầu tư, là dự án tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả giữa tỉnh Thanh Hóa với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Ông Trần Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, Hàn Quốc là thị trường XK tiềm năng, các DN tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng nắm bắt, tìm kiếm cơ hội để thâm nhập vào thị trường này, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực. Năm 2020, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu - khu vực Thanh Hóa thuộc Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã cấp cho các doanh nghiệp 3174 bộ form C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ), 2021 cấp 3036 bộ form C/O ưu đãi để XK hàng hóa sang Hàn Quốc.

Tính đến nay tỉnh Thanh Hóa có 88 doanh nghiệp XK hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc, với các mặt hàng chủ yếu là: May mặc, giày da, thủy hải sản đông lạnh, surumi, lông mi giả, tăm hồ... Kim ngạch XK hàng hóa tăng trưởng ổn định. Năm 2021, tổng kim ngạch XK hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc đạt 408,5 triệu USD, trong đó ghi nhận sự đóng góp chính của các DN trong lĩnh vực may mặc và chế biến thủy, hải sản.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều năm nay, bà Trịnh Thị Cúc, Giám đốc Công ty CP Thương mại Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải (thị xã Nghi Sơn), cho biết, hàng năm Công ty XK từ 2.000-3.000 tấn chả cá suirimi sang Hàn Quốc, với doanh thu mang lại khoảng 10 triệu USD.

Với năng lực dây chuyền sản xuất đáp ứng sản lượng đến 10.000 tấn suirimi/năm, công ty đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh đầu tư, phát triển đội tàu khai thác, thu mua nguyên liệu; đồng thời kết nối, tìm kiếm thêm nhiều đối tác, bạn hàng Hàn Quốc để đẩy mạnh XK mặt hàng suirimi sang thị trường này.

Với mặt hàng may mặc, tỷ trọng XK sang Hàn Quốc chiếm từ 25 - 30% tổng giá trị XK dệt may của các doanh nghiệp trong tỉnh. Đặc biệt, từ khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9/2009, nhiều sản phẩm dệt may đáp ứng tốt các quy tắc về xuất xứ hàng hóa đã được hưởng ưu đãi thuế suất 0%, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp mở rộng thị phần, cơ cấu mặt hàng may mặc XK vào thị trường Hàn Quốc..

Nhiều doanh nghiệp may mặc lớn không ngừng mở rộng quy mô, tăng công suất, tìm kiếm thêm bạn hàng mới tại thị trường Hàn Quốc, như: Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, Công ty TNHH Ivory Việt Nam, Công ty TNHH giầy Anrona Việt Nam, Công ty TNHH giầy Sun Jade Việt Nam... Các doanh nghiệp may mặc có nguồn vốn trong nước cũng nhanh chóng tận dụng cơ hội để đẩy mạnh XK, như: Công ty TNHH may Huệ Anh (thị xã Bỉm Sơn), Công ty CP Tiên Sơn Thanh Hóa, Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta...

Trong thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục kết nối, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Hàn Quốc đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa. Trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực trụ cột của tỉnh, như: công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, y tế, nông nghiệp, hạ tầng; đầu tư tại 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh là TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thạch Thành - Bỉm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng. 

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến