Dòng sự kiện:
Thanh khoản ngân hàng căng thẳng trở lại
02/09/2019 14:03:38
Thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng trong 2 tuần cuối tháng 8 và có thể sẽ còn tiếp tục trong 4 tháng tới.

Một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đã chạy đua lãi suất vào cuối tháng 8. Ảnh: ST

Đó là vấn đề được đề cập trong Báo cáo vĩ mô tháng 8/2019 vừa được Công ty chứng khoán BVSC công bố ngày 30/8.

Theo đó, lãi suất liên ngân hàng đã có lúc tăng lên mức 4,8-5%/tháng trong phiên ngày 27/8 trước khi hạ nhiệt về quanh mức 3,5%/tháng trong những phiên cuối tháng. Theo BVSC, thanh khoản hệ thống căng thẳng có thể xuất phát từ yếu tố mang tính thời điểm (dịp nghỉ lễ 2/9) cũng như khả năng thay đổi về nguồn vốn Kho bạc Nhà nướcgửi tại hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

Cụ thể, mới đây, ngày 21/8, Thủ tướng đã ra công điện yêu cầu các bộ ngành đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Các chuyên gia BVSC cho rằng, điều này có thể sẽ khiến nguồn tiền Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng thương mại giảm, ảnh hưởng tới thanh khoản hệ thống ngân hàng trong 4 tháng tới.

Nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hoạt động phát hành tín phiếu hút tiền về, thậm chí bơm ròng vốn qua OMO trong một vài phiên. Số dư tín phiếu lưu hành vào thời điểm cuối tháng 8 đã về mức 0 (thay cho mức 60-70 nghìn tỷ đồng các tháng trước đây).

Từ giữa tháng 8 cũng manh nha một cuộc đua lãi suất huy động trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vừa và nhỏ. Mức lãi suất cho các kỳ hạn dài (trên 6 tháng) đã được đẩy lên mức cao nhất 8,5-8,7%/năm. Chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cuối năm cũng như áp lực phải cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số CAR theo Basel II và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên.

Trong khi đó, bất chấp đà giảm giá mạnh lên tới 4% của đồng NDT (CNY) trên thị trường thế giới, tỷ giá VND/USD trong tháng 8 gần như đi ngang, không thay đổi so với cuối tháng 7. Tính đến cuối tháng 8, tỷ giá gần như không tăng so với cuối năm 2018.

Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu mạnh trong tháng 8 (ước tính 1,7 tỷ USD) và niềm tin ổn định giúp VND trụ vững trước xu hướng giảm giá mạnh của CNY so với USD.

Hầu hết các đồng tiền tại các thịtrường mới nổi (Ems) châu Á đều giảm giá mạnh so với USD trong tháng 8. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, giảm giá mạnh nhất trong số các đồng tiền của EMs (theo mẫu theo dõi của BVSC) là đồng won của Hàn Quốc (giảm8,6%), tiếp đến là CNY của Trung Quốc (giảm 4,4%), Rupee của Ấn Độ (giảm 3,6%). Ngược lại, đồng tiền tăng giá mạnh nhất là Bath của Thái Lan (tăng 5%).

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến