Sau 4 tháng đầu năm nay, thị trường ngoại hối được duy trì ổn định, trong tháng 5, tỷ giá ngoại tệ đã có biến động, chủ yếu trên thị trường tự do. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng khoảng 1% từ 21.100 đồng/USD lên 21.300 đồng/USD.
Trong tháng 5/2014, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng không đáng kể, từ mức 21.100 đồng/USD lên 21.145 đồng/USD. Tuy nhiên, bước sang tháng 6, các ngân hàng đã điều chỉnh tỷ giá bán USD lên mức kịch trần 21.246 đồng/USD.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân biến động tỷ giá trên thị trường tự do là phản ứng tâm lý của thị trường trước các diễn biến căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo chúng tôi, thanh khoản ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại cũng là một nguyên nhân gây áp lực gia tăng tỷ giá.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến tháng 4/2014, tiền gửi bằng tiền đồng tăng 3,5% so với đầu năm, trong khi cho vay lại giảm 2,6%. Nhờ đó, thanh khoản tiền đồng của hệ thống ngân hàng tiếp tục được duy trì tốt, với tỷ lệ cho vay/tiền gửi giảm từ 82,4% cuối năm 2013 xuống còn 79,9% vào cuối tháng 4/2014.
Cho dù lãi suất huy động giảm, nhưng lạm phát cũng giảm tương ứng, giúp duy trì mức lãi suất huy động thực dương. Cụ thể, tính đến tháng 4, lãi suất huy động bằng tiền đồng kỳ hạn 6 tháng giảm 0,7 điểm phần trăm so với đầu năm (từ 7,2%/năm xuống 6,5%/năm), thì tỷ lệ lạm phát cũng giảm 1,7 điểm phần trăm (từ mức 6,1% xuống 4,4%). Đây là nguyên nhân giúp duy trì tăng trưởng tiền gửi nội tệ.
Trong khi đó, tín dụng bằng ngoại tệ diễn biến theo chiều hướng ngược lại và áp lực thanh khoản đang tăng lên. Tính đến cuối tháng 4, cho vay ngoại tệ tăng 7,2% so với đầu năm. Điều này trái ngược với diễn biến trong giai đoạn từ cuối năm 2011 đến cuối năm 2013, khi dư nợ bằng ngoại tệ liên tục tăng trưởng âm. Năm 2012, dư nợ bằng ngoại tệ giảm 3,51% so với năm 2011 và năm 2013, giảm 16,53% so với năm 2012. Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ dư nợ ngoại tệ trên tổng dư nợ liên tục giảm (xem bảng).
Lý giải cho việc dư nợ bằng ngoại tệ gia tăng trở lại, theo chúng tôi có một số nguyên nhân sau:
Một là, trong suốt 2 năm 2013 - 2013, nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai việc cho vay bằng tiền đồng, với lãi suất ngoại tệ kèm theo bảo hiểm tỷ giá nhằm đáp ứng nhu cầu lãi suất rẻ cho doanh nghiệp. Với cam kết bình ổn thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với biên độ điều chỉnh rất cụ thể, các ngân hàng thương mại có cơ sở tính toán lãi suất cho vay để đảm bảo thu lợi nhuận.
Do không phải doanh nghiệp nào cũng được vay bằng ngoại tệ và phạm vi các doanh nghiệp được phép vay bằng ngoại tệ bị hạn chế theo quy định của NHNN (Thông tư 29/2013 và Thông tư 37/2012), hoạt động này giúp một số lượng lớn doanh nghiệp được vay vốn tiền đồng với lãi suất thấp và ngân hàng tăng trưởng được tín dụng. Tuy nhiên, tháng 12/2013, NHNN đã có văn bản cấm các ngân hàng thương mại không được cho vay với lãi suất thấp hơn chi phí huy động vốn, nhằm tránh xảy ra cạnh tranh thiếu lành mạnh và tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng. Vì lãi suất cho vay ngoại tệ thường thấp hơn lãi suất huy động bằng tiền đồng, nên các ngân hàng phải dừng hoạt động này.
Hai là, các doanh nghiệp xuất khẩu đã tăng vay ngoại tệ thay cho tiền đồng, vì lãi suất cho vay USD thấp hơn đáng kể so với lãi suất cho vay bằng tiền đồng. Các ngân hàng lớn lại nhận được nguồn tiền từ các tổ chức nước ngoài. Ví dụ, Công ty Tài chính quốc tế (IFC), thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đã rót vốn vào Việt Nam thông qua các chương trình tài trợ tín dụng xuất nhập khẩu, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với lãi suất rất thấp nên lãi suất cho vay ra cũng rất thấp. Tín dụng bằng ngoại tệ gia tăng khiến tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ tăng từ 84,3% cuối năm 2013 lên 99,5% vào cuối tháng 4/2014. Lãi suất USD liên ngân hàng cũng có xu hướng tăng kể từ đầu tháng 4/2014, từ mức 0,3%/năm lên 0,5%/năm.
Ngoài ra, khi tăng cường cho doanh nghiệp vay ngoại tệ, các ngân hàng thương mại có xu hướng gia tăng trạng thái ngoại tệ lên mức cao. Từ cuối năm 2013 trở về trước, lãi suất tiền đồng chênh khá cao so với lãi suất USD, nên các ngân hàng bán USD thu tiền đồng và cho vay bằng tiền đồng, với lãi suất cao hơn trong bối cảnh tỷ giá được dự báo là ổn định. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, lãi suất cho vay bằng tiền đồng liên tục giảm khiến chênh lệch lãi suất cho vay giữa tiền đồng và USD không còn đủ sức hấp dẫn nữa. Các ngân hàng tăng mua USD, đẩy nhu cầu ngoại tệ trên thị trường lên cao.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, việc các ngân hàng tăng mua USD còn có nguyên nhân từ kỳ vọng của thị trường vào việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Trong năm 2014, NHNN có chủ trương giữ ổn định tỷ giá và nếu phải điều chỉnh sẽ không quá 2%. Tính đến thời điểm này, NHNN vẫn chưa điều chỉnh tỷ giá và tỷ giá tiếp tục ổn định. Do vậy, nhiều người cũng kỳ vọng sẽ điều chỉnh tỷ giá. Việc các ngân hàng tăng mua USD, duy trì trạng thái ngoại tệ dương sẽ giúp các ngân hàng phát sinh lãi ngoại hối khi tỷ giá tăng. Việc NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời, giúp các ngân hàng giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay trên thị trường.
baodautu.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy