Chiều 1/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã triệu tập các đơn vị chức năng gồm Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ pháp chế, Thanh tra Bộ để họp khẩn về vấn đề điện mặt trời.
Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 185 yêu cầu Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 185, ngày 5/3/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 795 về việc kiểm tra phát triển điện mặt trời.
Tại quyết định này, Bộ Công Thương dự kiến tổ chức các đoàn kiểm tra chia thành 2 đợt. Đợt một được thực hiện ngay tại thời điểm ngày 5/3/2021 và tiến hành kiểm tra đối với 10 tỉnh, thành phố có tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn.
Đợt kiểm tra thứ 2 dự kiến sẽ thực hiện vào thời điểm tháng 5 và tháng 6 năm 2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên kế hoạch kiểm tra đợt 2 đã tạm dừng để thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Sau khi nghe báo cáo từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, ý kiến phát biểu của các đơn vị chuyên môn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, việc tạm dừng kiểm tra là lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, hiện tại, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, việc đi lại giữa các địa phương được nới lỏng, công tác kiểm tra, giám sát đợt 2 đã có thể thực hiện được.
“Đây là vấn đề quan trọng cần được tập trung xử lý, không thể chậm trễ, kéo dài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc kiểm tra, giám sát điện mặt trời mái nhà cần được tập trung xử lý, không thể chậm trễ.
Sau cuộc họp chiều 1/4, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra để tiếp tục thực hiện công việc rà soát, giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà, với thành phần đoàn tham gia gồmCục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết Điện lực, Thanh tra Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế, Sở Công Thương địa phương và điện lực các địa phương. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 1/4 đến hết ngày 10/4/2022.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Quyết định số 13/2020 ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác của pháp luật khẩn trương rà soát về phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà theo đúng thẩm quyền.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, báo cáo của các tỉnh, thành, địa phương, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả tích cực và những tồn tại trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan; đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/3, liên quan những sai phạm trong việc phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà trong thời gian qua, phía Bộ Công Thương khẳng định - do thời gian thực hiện khuyến khích và đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà rất ngắn, nên Bộ chưa có điều kiện để kiểm tra đồng bộ, chấn chỉnh kịp thời.
Cụ thể, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - cho biết thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời. Đồng thời có hướng dẫn trên phạm vi toàn quốc.
"Tuy nhiên, thời gian ban hành quyết định chỉ đến cuối năm 2020 do đó nảy sinh một số bức xúc, vướng mắc. Vì điện mặt trời tập trung phát triển tại một số địa phương có ưu thế về đất cát, ánh sáng như khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ", ông Hùng nói.
Về trách nhiệm của các đơn vị, ông Hùng cho biết trong Quyết định 13 và Thông tư 18 của Bộ Công Thương, điện mặt trời mái nhà chỉ có công suất dưới 1 MW đấu nối vào lưới điện phân phối dưới 35 kV và phải lắp trên mái các công trình xây dựng. EVN sẽ căn cứ các quy định để thỏa thuận đấu nối vào lưới điện.
"Theo quy định Luật Xây dựng, Bộ Công Thương không có thỏa thuận về quy hoạch. Bộ chỉ tổ chức, phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn để triển khai và thực hiện kiểm tra, giám sát... Tuy nhiên vì thời gian thực hiện quy định rất ngắn, từ 17/7 đến 31/12/2021 chúng tôi chưa kịp kiểm tra, chấn chỉnh trong quá trình thực hiện", ông Hùng cho hay.
Nói thêm về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề sai phạm điện mặt trời mái nhà, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh trong thực hiện quy hoạch cũng như lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian qua vẫn còn tồn tại bất cập, chính vì vậy nhiều cơ quan có thẩm quyền đã kiểm tra và có kết luận.
Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc theo các kết luận những sai sót cần sửa trong lĩnh vực này, bất kể tập thể cá nhân nào vi phạm Bộ sẽ thực hiện đúng theo kết luận đó.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy