Dòng sự kiện:
Thành lập hãng bay riêng, tiềm lực tài chính của Vietravel ra sao?
05/04/2020 10:09:55
Trong bối cảnh hàng không Việt đang thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, Thủ tướng vừa đồng ý chủ trương đầu tư thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines, với tổng số vốn 700 tỷ đồng, quy mô ban đầu 3 tàu bay.

Hàng không khủng hoảng vì dịch bệnh, Việt Nam có hãng bay mới ra đời

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Theo quyết định, dự án sẽ có 9 tháng thực hiện đầu tư, tính từ khi phê duyệt chủ trương, bắt đầu khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10.

Cụ thể, Vietravel Airlines sẽ xây dựng hãng hàng không có trụ sở tại CHK quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trong châu lục.

Mục tiêu mà Vietravel Airlines đặt ra là góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập.

Về quy mô, số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên của Vietravel Airlines là 3 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 tàu bay.

Thủ tướng yêu cầu UBND Thừa Thiên - Huế chỉ đạo Vietravel Airlines trong giai đoạn thực hiện đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án theo ý kiến của Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan. Giám sát việc triển khai dự án của Vietravel Airlines theo đúng pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, bao gồm giám sát việc huy động vốn của Vietravel Airlines theo tiến độ thực hiện dự án.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm giám sát việc phát triển đội máy bay của hãng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực quản lý và cơ sở hạ tầng hàng không.

Hàng không khủng hoảng vì dịch bệnh, Việt Nam có hãng bay mới ra đời

Trước đó, theo báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Vietravel Airlines của Bộ KH-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, việc đầu tư dự án này trong 5 năm đầu khai thác góp phần tạo ra giá trị gia tăng trong nước khoảng 3.650 tỷ đồng, đóng góp vào thu nhập quốc dân hơn 3.185 tỷ đồng, trong đó thu nhập cho lao động khoảng 1.982 tỷ đồng và hơn 1.203 tỷ đồng cho thặng dư xã hội.

Dự kiến khi đi vào hoạt động, hãng tạo việc làm cho gần 600 lao động, đóng góp gần 2.500 tỷ đồng thuế trong 5 năm đầu tiên.

Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cũng cảnh báo về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án này khi mới được tính toán sơ bộ, còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro khác.

Đó là do mô hình khai thác của Vietravel Airlines cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch thường tập trung tại các trung tâm vận tải hàng không như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, trong khi sân bay căn cứ đặt ở Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có thị trường hành khách đi/đến không cao.

Trong khi, các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm sẽ gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không.

Đó mới là cảnh báo của Bộ KH-ĐT khi thẩm định dự án vào cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xảy ra. Đến nay, tình hình đã thay đổi hoàn toàn khi hàng không trong nước đang thiệt hại nặng nề do tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Theo một ước tính của Bộ GTVT vào tháng 3, tổng số thiệt hại của các hãng hàng không trong nước lên tới 30.000 tỷ đồng.

"Soi" năng lực tài chính của ông chủ hãng bay mới

Vietravel tiền thân là Trung tâm Tracodi Tour thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải (Tracodi). Công ty bắt đầu mang tên Vietravel từ năm 1995 và được cổ phần hóa vào năm 2014, chính thức không còn vốn nhà nước. Trụ sở chính được đặt tại 190 Pasteur, phường 6, quận 3, TP HCM. Chủ tịch HĐQT của Công ty là ông Nguyễn Quốc Kỳ (SN 1958).

Ông Kỳ cũng là cổ đông lớn nắm giữ 9,07% vốn điều lệ của Vietravel. Công ty còn một cổ đông lớn khác là Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch và lữ hành quốc tế Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu 16,22%.

Ngành nghề hoạt động chính của Vietravel là điều hành tour du lịch, bao gồm việc kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế, ngoài ra còn có xuất khẩu lao động, xúc tiến thương mại, dạy nghề.

Sau khi công bố ý định gia nhập thị trường hàng không vào đầu năm 2019, tham vọng của Vietravel bước đầu được hiện thực hóa khi Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) được thành lập vào ngày 19/2/2019. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu của doanh nghiệp này là 300 tỷ đồng và do Vietravel sở hữu 100% vốn, mục tiêu là tạo ra hãng hàng không chuyên phục vụ du lịch. 

Tới nay, quy mô vốn của Vietravel Airlines đã được đăng ký nâng lên mức 700 tỷ đồng, đặt mục tiêu hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2020, khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 10/2020.

Với việc tiềm lực tài chính "khá mỏng" của Vietravel thì cũng đặt ra những áp lực lớn về tài chính trong việc vận hành Vietravel Airlines. 

Báo cáo tài chính quý 4/2019 hợp nhất vừa được Vietravel công bố cho thấy lỗ sau thuế hơn 14,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2018 công ty này có lãi đến 7,3 tỷ đồng. Một phần nguyên nhân đến từ việc doanh thu thuần chỉ đạt 1.451 tỷ đồng, tăng 9,13% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá vốn tăng lên đến 10,48%.

Tính chung cả năm 2019, Vietravel đạt gần 7.262 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 39,93 tỷ đồng. Dù vẫn có lãi nhưng doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 84,3% mục tiêu doanh thu và 65,6% kế hoạch cả năm đề ra trước đó. So với mức lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 là hơn 58 tỉ đồng thì lợi nhuận năm vừa qua của Vietravel sụt giảm 32%.

Tại ngày 31/12/2019, Vietravel có 2.045 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm gần 89,7% tổng nguồn vốn của công ty, trong đó có khoản trái phiếu hơn 700 tỷ đồng được Vietravel phát hành vào ngày 17/9/2019 để thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines. Đây là trái phiếu kỳ hạn 24 tháng với lãi suất cố định 9,25%/năm trong 15 tháng đầu tiên và tăng lên 11%/năm trong thời gian còn lại của trái phiếu.

Cổ phiếu mã VTR của Vietravel được đưa lên giao dịch trên sàn UPCoM từ cuối tháng 9/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 40.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi lên sàn, VTR đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp, đẩy giá cổ phiếulên đỉnh 90.980 đồng/cổ phiếu vào ngày 3/10. Tuy nhiên sau đó VTR liên tục đi xuống và hiện có giá 39.500 đồng/cổ phiếu.

Với việc tiềm lực tài chính "khá mỏng" của Vietravel thì cũng đặt ra những áp lực lớn về tài chính trong việc vận hành Vietravel Airlines. 

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến