Bộ đội biên phòng tại chốt Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương, quận Bình Thạnh. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)
Thành phố Hồ Chí Minh không thể cứ mãi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng phải đủ điều kiện cần và đủ một cách tương đối mới có thể tính đến việc nới rộng các giải pháp về giãn cách toàn xã hội.
Đây là thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, nhấn mạnh tại cuộc họp báo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn vào chiều 31/8.
Đủ điều kiện mới mới lỏng giãn cách xã hội
Theo ông Phạm Đức Hải, sau 9 ngày thực hiện công điện 1099/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 11 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hoạt động phòng, chống dịch của thành phố bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong giai đoạn kế tiếp, thành phố đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người đủ 18 tuổi trở lên đang sinh sống trên địa bàn và có chỉ định được sử dụng vaccine, trong đó, ưu tiên tiêm vaccine cho 4 nhóm: người cao tuổi; người có bệnh lý nền; thai phụ từ 13 tuần tuổi trở lên và bà mẹ cho con bú; các lực lượng tuyến đầu chống dịch và lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế như nhà đầu tư, công nhân trong, ngoài khu công nghiệp, người lao động ở nhóm hàng thiết yếu, lưu thông...
Ông Hải cho biết, lộ trình tiêm vaccine được chia thành 4 giai đoạn theo thời gian từ ngày 29/8 đến hết năm 2021.
Ước tính, tổng số vaccine phòng COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sử dụng đối với mũi 1 là 1,4 triệu liều và mũi 2 là hơn 6,7 triệu liều, theo nguyên tắc người dân lần 1 tiêm vaccine gì thì lần 2 tiêm vaccine tương thích.
Dù Thành phố Hồ Chí Minh đã có lộ trình tiêm vaccine cụ thể, nhưng theo ông Phạm Đức Hải, việc phân phối vaccine phòng COVID-19 theo nguyên tắc là của Bộ Y tế, do vậy thành phố không thể quyết định và cũng không thể thông tin chính xác thời gian khi nào mới nhận đủ lượng vaccine cần thiết.
Mặt khác, ông Hải cũng nhấn mạnh: "Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất.” Hiện nay, vẫn còn tình trạng người dân trì hoãn việc tiêm để chờ loại vaccine theo đúng ý muốn cá nhân.
Theo ông Hải, tiêm vaccine là quyền lợi và nghĩa vụ của người dân để bảo vệ an toàn sức khỏe, sinh mạng cho bản thân và gia đình, cũng như để góp phần giảm số ca nhiễm, ca nhiễm nặng, giúp kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.
“Thành phố Hồ Chí Minh không thể sống mãi trong việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhưng chúng ta cũng không thể dừng ngay việc giãn cách xã hội khi không đủ các điều kiện cần thiết, mà một trong những điều kiện quan trọng nhất đó là tiêm đủ vaccine,” ông Hải nói.
Bên cạnh đó, ngày 31/8 là ngày đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh cho phép lực lượng shipper (người giao hàng) hoạt động trở lại. Để bảo đảm an toàn phòng dịch, các địa bàn đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm nhanh miễn phí cho nhóm đối tượng này.
Tuy nhiên, trong ngày, việc lấy mẫu tại một số điểm lấy mẫu lưu động gặp nhiều khó khăn và khung giờ lấy mẫu diễn ra muộn hơn so với quy định từ 5 giờ đến 6 giờ sáng của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Phạm Đức Hải cho biết, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các shipper thực hiện lấy mẫu xét nghiệm từ 5 giờ đến 6 giờ hàng ngày tại các điểm lấy mẫu trước khi làm việc. Tuy nhiên, do số lượng shipper lớn nên khung giờ trên chỉ mang tính tương đối.
Ông Hải mong lực lượng shipper cố gắng kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi, các lực lượng sẽ làm hết khả năng để giúp công việc của các shipper được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Theo ông Hải, Sở Y tế thành phố cũng đang tính đến các giải pháp tăng tốc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các shipper bằng cách phát dụng cụ xét nghiệm nhanh để họ tự lấy mẫu và kiểm tra kết quả tại chỗ.
Phát hiện 30 ca mắc COVID-19 trên đường
Về vấn đề giao thông, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Phòng Tham mưu (Công an Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết, tình hình giao thông những ngày gần đây tương đối ổn định. Mật độ lưu thông của các phương tiện trên đường không có sự tăng giảm đột biến cũng như không xảy ra hiện tượng ùn tắc ở các chốt kiểm soát nội thành.
Đối với việc triển khai kiểm tra mã QR của người dân khi lưu thông qua các chốt kiểm soát, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, đây là yêu cầu rất cần thiết vì trong thời gian qua, nhờ việc quét kiểm tra mã QR mà Công an Thành phố đã phát hiện được 30 trường hợp mắc COVID-19 đang di chuyển trên đường. Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng phát hiện 2 vụ làm giấy giả đi đường của công an tại Quận 10 và Quận 12. Hiện tại, Công an thành phố đang điều tra và xử lý những trường hợp này.
Để thuận tiện cho việc di chuyển, Thượng tá Lê Mạnh Hà đề nghị tất cả người dân khi có việc cần ra ngoài nên khai báo y tế qua phần mềm của Bộ Công an tại nhà trước khi di chuyển ra đường và lưu lại mã QR.
Thành phố Hồ Chí Minh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Khi đến chốt kiểm soát chỉ cần xuất trình mã QR, tránh việc đến chốt kiểm soát dịch mới dừng lại khai báo, dẫn đến tụ tập đông người không an toàn.
Theo ông Hà, hiện Công an thành phố đang phối hợp với Sở Y tế thành phố cùng các cơ quan nghiệp vụ cập nhật dữ liệu người mắc COVID-19 vào dữ liệu dân cư. Trong bối cảnh người mắc trong cộng đồng đang ngày càng tăng, việc khai báo y tế sẽ giúp cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện khi có người nhiễm bệnh ra đường để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Trao đổi thêm về việc một số cán bộ công an trực tiếp cầm điện thoại của người dân để quét mã QR liệu có đảm bảo an toàn vệ sinh phòng dịch hay không, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, lực lượng công an là lực lượng tuyến đầu chống dịch nên đã được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 và định kỳ hàng tuần đều được xét nghiệm, xác nhận âm tính trước khi làm nhiệm vụ. Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ lực lượng công an rất ít.
Tuy nhiên, Công an thành phố vẫn sẽ quán triệt lại với các lực lượng chú ý không cầm trực tiếp điện thoại của người dân mà để người dân giữ điện thoại của mình để quét mã QR. Mặt khác, Công an thành phố cũng đang triển khai phần mềm quét mã tích hợp với camera để người dân đi qua chốt có thể chủ động tự quét mã, tránh tiếp xúc.
Ca tử vong còn cao
Về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, số liệu cập nhật mới nhất cho thấy số lượng tử vong lại tăng sau 1 tuần giảm rõ rệt. Cụ thể, ngày 22/8, Thành phố Hồ Chí Minh có 340 ca tử vong, sau đó liên tục giảm, đến ngày 29/8, số ca tử vong giảm còn 245. Tuy nhiên, đến ngày 30/8, số tử vong lại tăng lên 335 ca.
Lý giải về số lượng ca bệnh tử vong tăng lên, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, số ca tử vong có sự dao động, tăng hơn so với những ngày trước vì có độ trễ.
Với bệnh nhân COVID-19, khoảng từ 5-7 ngày đầu có thể có triệu chứng, có thể diễn tiến nặng và nhập viện. Thông thường 80% người mắc bệnh tới ngày thứ 5, thứ 6 sẽ tự thuyên giảm và tự khỏi. Tuy nhiên, có những bệnh nhân từ ngày thứ 7 đến thứ 10 trở đi sẽ có chuyển biến nặng, đặc biệt là tổn thương ở đường hô hấp, trong đó sẽ có trường hợp rất nặng mà không thể chữa được.
Chính vì thế, nếu khi phát hiện số lượng ca nhiễm tăng cao thì khoảng 5-7 ngày sau sẽ có những dấu hiệu ca bệnh chuyển biến nặng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, tính từ ngày 1/1 đến nay, thành phố có 9.204 ca tử vong. Nếu tính trên số lượng 158.260 ca bệnh đã và đang được điều trị tại bệnh viện thì tỷ lệ tử vong khi điều trị tại bệnh viện là 5,8%.
Nếu tính trên tổng số toàn bộ ca nhiễm, bao gồm 158.260 ca điều trị tại bệnh viện và 59.093 ca điều trị tại nhà thì tỷ lệ tử vong khoảng 4,2%. Theo ông Châu, tỷ lệ này vẫn nằm trong khung của Tổ chức Y tế Thế giới, dao động trong khoảng 2,1% đến 4,4%, nhưng nằm trong giới hạn cao.
Để giảm tỷ lệ tử vong, ông Châu cho biết, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang cải thiện chất lượng điều trị COVID-19, đặc biệt là các trường hợp diễn tiến nặng bằng nhiều biện pháp như tăng thêm các trung tâm hồi sức, tăng cường oxy, máy thở cho các bệnh viện tầng 2, mở thêm các bệnh viện ở tầng 2, tăng năng lực điều trị ở tầng 1.
Quan trọng nhất là thành phố cần cố gắng hạn chế tình trạng nhiều ca dương tính xuất hiện cùng lúc có thể dẫn đến quá tải bệnh viện, áp lực lên hệ thống điều trị.
Để làm được điều này, biện pháp quan trọng mà người dân cần làm là thực hiện nghiêm Thông điệp 5K và tiêm vaccine đầy đủ./.
Tác giả: Hồng Giang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy