Thủ tướng Anh Boris Johnson tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 hồi tháng 3/2021 (Ảnh: Independent).
Theo Dailymail, Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh (PHE) ước tính, tính đến ngày 6/8, chương trình tiêm chủng vắc xin của nước này đã cứu sống hơn 84.600 người, giúp gần 67.000 người không phải nhập viện và hơn 23,4 triệu người tránh được nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Ước tính của PHE đưa ra dựa trên mô hình phân tích của các chuyên gia. Những con số này cho thấy hiệu quả của vắc xin trong cuộc chiến của Anh đối phó với đại dịch Covid-19.
Tiến sĩ Mary Ramsay, một quan chức của PHE, cho biết: "Những con số trên cho thấy hiệu quả đáng kể của chương trình tiêm chủng vắc xin trong giảm nguy cơ tử vong do Covid-19 và hạn chế đà lây lan của dịch. Khi số ca nhiễm tăng, mức độ bảo vệ thực sự của chương trình tiêm chủng vắc xin càng trở nên rõ ràng. Những người ủng hộ tiêm chủng vắc xin đã góp phần quan trọng vào nỗ lực này".
Bà Ramsay cũng khuyến cáo, tất cả những người đủ tiêu chuẩn tiêm vắc xin ở Anh nên tiêm chủng sớm nhất có thể, đặc biệt nhóm người ở độ tuổi dưới 30 bởi nhóm này hiện chiếm tỷ lệ ca nhiễm nhiều nhất và nhiều người có nguy cơ bệnh nặng nếu nhiễm SARS-CoV-2.
Theo báo cáo của PHE, số người nhiễm ở các độ tuổi cũng tăng, ngoại trừ độ tuổi từ 10-19. Trong đó, người nhiễm trong độ tuổi từ 20-29 chiếm tỷ lệ cao nhất trong những ca mắc mới, ngược lại, tỷ lệ lây nhiễm ở độ tuổi trên 80 là thấp nhất do nhóm này có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19. Anh đã phê chuẩn sử dụng 4 loại vắc xin gồm Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, Moderna và Janssen, hầu hết là loại vắc xin yêu cầu tiêm đủ hai liều để tối đa mức độ bảo vệ.
Đến nay, hơn 47 triệu người Anh (trong tổng số hơn 66 triệu dân), hay gần 90% dân số trưởng thành, đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, hơn 40 triệu người hay khoảng 76% dân số trưởng thành đã tiêm đủ hai mũi. Giới chức y tế Anh đang cân nhắc tiêm liều thứ ba tăng cường cho hàng triệu người thuộc nhóm nguy cơ cao bắt đầu từ tháng 9 tới.
Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra, mặc dù các loại vắc xin hiện tại có hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19, chúng không thể ngăn hoàn toàn nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 ở người đã tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Imperial College London cho thấy, những người đã tiêm chủng đầy đủ từ 18-64 tuổi có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn khoảng 49% so với những người chưa tiêm chủng.
Việc mở rộng tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng có thể coi là cách tạo ra sự bảo vệ gián tiếp khỏi lây nhiễm cho những người chưa được tiêm chủng và những người chưa từng mắc bệnh. Miễn dịch cộng đồng có được khi phần lớn dân số đạt được khả năng miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc lây nhiễm trước đó. Theo những tính toán trước kia, tỷ lệ này là 60-70%, tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan hơn đã đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên trên 80%, thậm chí gần 90%, Hội nghiên cứu về Các bệnh truyền nhiễm Mỹ nhận định hôm 3/8.
Tác giả: Minh Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy