Trong đó, ngân hàng BIDV Nghệ An đã “bơm” tổng số tiền 828,835 tỷ đồng. Số tiền tạm ứng, thanh toán vượt giá trị nghiệm thu gần 140 tỷ đồng.
Dự án Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An giai đoạn 2 do Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An (TP Vinh, Nghệ An) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.359 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư (260 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng mức đầu tư) và vốn vay ngân hàng thương mại.
Theo đó, Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã ký kết hợp đồng tín dụng số 01/2016/8176544/HĐTD ngày 15/05/2016 với Ngân hàng BIDV - CN Nghệ An mức tín dụng theo hợp đồng là: 1.040.000 triệu đồng.
Tuy nhiên, trước thực trạng dự án bị dừng nhiều năm, từ năm 2020, phía ngân hàng đã có thông báo với Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nếu không tái khởi động lại sẽ tiến hành các thủ tục để xử lý thu hồi nợ theo quy định. Hơn 2 năm qua, dự án này vẫn “án binh, bất động” và khả năng thu hồi vốn của ngân hàng vẫn “im hơi, lặng tiếng”.
Theo tìm hiểu của PV Tài chính doanh nghiệp, tính đến 30/12/2020, Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã giải ngân cho các gói thầu hơn 1.067,86 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng BIDV Nghệ An đã “bơm” cho công ty này để thực hiện dự án với tổng số tiền là 828,835 tỷ đồng.
Điều đáng nói, nguồn vốn Chủ đầu tư dự án này đã thanh toán cho nhà thầu vượt quá giá trị nghiệm thu với tổng số tiền 137,370 tỷ đồng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các gói thầu xây dựng do nhà thầu chính CotecLand thực hiện.
Dù được Chủ đầu tư “thoáng” khi đã cho tạm ứng, thanh toán vượt giá trị nghiệm thu như vậy song, nhà thầu chính này vẫn không tổ chức thi công từ tháng 1/2020 đến nay.
Vậy trách nhiệm của Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nghệ An đến đâu khi thanh toán vượt khối lượng nghiệm thu? Và tại sao không thu hồi tạm ứng?
Lý giải về vấn đề này, phía Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nghệ An cho rằng: BIDV Nghệ An cho chủ đầu tư vay dựa trên giấy đề nghị vay vốn kèm hồ sơ giải ngân hợp pháp, hợp lệ do chủ đầu tư gửi đến. Việc ngân hàng cho CotecLand tạm ứng, hoàn ứng là hoàn toàn do chủ đầu tư và tổng thầu đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Có thể nói, dự án công - tư lớn nhất Bắc trung bộ là Bệnh viện ĐKHN Nghệ An giai đoạn 2 không tiếp tục thi công, chậm tiến độ đã làm tăng các chi phí về lãi vay ngân hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, gây tổn hại đến lợi ích của nhà nước và nhân dân.
Được biết, đứng trước những khó khăn chồng chất, giới điều hành của dự án nghìn tỷ này đang làm việc với Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nghệ An để cơ cấu lại nợ gốc, lãi phát sinh, thời gian rút vốn.
Đặc biệt, doanh nghiệp này đang khẩn trương thu hồi các khoản tạm ứng của CBCNV. Đơn vị này phát hành công văn cho từng nhân viên đã tạm ứng, nếu không hoàn trả sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Thậm chí, chuyển nhượng phần vốn điều lệ (9%) của Công ty CotecGroup cho đối tác khác để hoàn ứng cho Công ty CP Bệnh viện đa khoa Nghệ An, bổ sung vốn tự có để đảm bảo tỷ lệ giải ngân từ ngân hàng.
Hơn nữa, Công ty CP Bệnh viện đa khoa Nghệ An cũng đang làm việc với các Sở Ban ngành Nghệ An như: Cục thuế, Bảo hiểm xã hội, Sở Kế hoạch đầu tư… để gỡ bỏ Quyết định cưỡng chế thuế về hóa đơn từ Cục thuế; thanh toán tiền bảo hiểm xã hội để hồ sơ dự án không chuyển sang Công an tỉnh Nghệ An truy tố và thực hiện thủ tục giãn tiến độ thực hiện dự án…
Như Tài chính doanh nghiệp đã đưa tin, Tổng vốn điều lệ Công ty Cổ phần Bệnh viện HNĐK Nghệ An được xác định là 260 tỷ đồng và được thành lập bởi 3 cổ đông: Công ty CP Đầu tư Cotec HealthCare nắm giữ 51% vốn điều lệ, Công ty CP Đầu tư Cotec Gruop nắm giữ 9% vốn điều lệ, cả 2 cổ đông này góp vốn bằng tiền mặt. Bệnh viện ĐKHN Nghệ An góp 40% (104 tỷ đồng) vốn điều lệ bằng giá trị thương hiệu, uy tín; lợi thế vị trí địa lý đất và giá trị tiền GPMB… Đồng thời, UBND tỉnh Nghệ An Ủy quyền cho Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An là người đại diện phần vốn góp của nhà nước trong Công ty Cổ phần Bệnh viện HNĐK Nghệ An.
Hiện HĐQT Công ty này và người đại diện pháp luật đã kiện toàn, thay đổi 4 lần. Trong lần thứ 4 gần đây, HĐQT gồm 3 thành viên gồm:
Ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An là Phó Chủ tịch HĐQT và là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước trong công ty.
Ông Goh Hsien Ming là thành viên Hội đồng quản trị.
Ông Nguyễn Huy Cường là thành viên Hội đồng quản trị.
Cử ông Nguyễn Huy Cường làm người đại diện mới để quản lý 50% phần vốn góp của Công ty CP Đầu tư Cotec HealthCare tại Công ty CP Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An thay cho ông Đào Đức Nghĩa.
Như vậy, cổ đông của Công ty CP Đầu tư Cotec HealthCare có 2 người đại diện phần vốn góp tại Công ty CP Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An.
Dù đã miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật đối với ông Đào Đức Nghĩa, nhóm cổ đông Cotec HealthCare tạm thời chưa bầu Chủ tịch HĐQT và cử người đại diện pháp luật. HĐQT cử ông Đàm Quang Trực - Tổng giám đốc, tạm thời làm người đai diện theo pháp luật của Công ty.
Sau nhiều năm dừng thi công, chậm tiến độ, Công ty CP Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An đã nợ thuế hơn 4,7 tỷ đồng và bị cưỡng chế hóa đơn.
Tác giả: Ngọc Tuấn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy