Dòng sự kiện:
Thanh toán không dùng tiền mặt: Mong chờ 'cú hích' mới
16/06/2020 19:00:09
Thanh toán không tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia gồm: người tiêu dùng, người bán hàng và các tổ chức tín dụng.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang được người tiêu dùng sử dụng ngày càng rộng rãi (Ảnh minh họa)

Có hai con nhỏ đang độ tuổi đi học, hàng tháng đều phải đóng các khoản tiền cho nhà trường, chị Trần Thị Thùy Linh, Minh Khai, Hà Nội cho biết, chị thường xuyên sử dụng hình thức chuyển tiền học cho con qua mạng internet.

“Vừa an toàn, nhanh chóng, lại không mất thời gian đến xếp hàng chờ đợi đóng tiền tại trường. Ngoài ra, mỗi khi đi ăn uống, hay đi du lịch thì mình thanh toán bằng ví điện tử hoặc thẻ ATM; mua đồ tiêu dùng, đồ ăn hàng ngày thì dùng internet.

Thanh toán bằng các ứng dụng nêu trên còn giúp mình tiết kiệm được khá nhiều tiền nhờ được cộng điểm, khuyến mãi, giảm giá sản phẩm và dịch vụ”, chị Linh nói.

Không riêng chị Linh, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng, các ví điện tử hiện đang được người tiêu dùng sử dụng ngày càng rộng rãi trong việc chuyển khoản mà còn có thể mua vé máy bay, bảo hiểm, thanh toán vay tiêu dùng, mua hàng hóa. Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia gồm: người tiêu dùng, người bán hàng và các tổ chức tín dụng

Chị Đỗ Khánh Ly, chuyên kinh doanh hàng may mặc online, cho biết hầu hết các khách hàng đều sử dụng thanh toán bằng cách chuyển tiền qua internet banking.

“Đặc biệt, thời điểm dịch COVID-19 vừa qua, gần như khách hàng đều thanh toán 100% qua internet banking, vừa an toàn phòng chống dịch, lại nhanh chóng, thuận tiện”, chị Ly cho biết.

Ngoài sự tiện lợi về việc thanh toán điện tử có thể thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, thì hình thức thanh toán này được coi là rẻ hơn so với các hình thức thanh toán bằng tiền mặt.

Bởi lẽ, thanh toán điện tử giảm được phí quản lý và thực hiện giao dịch, bao gồm chi phí cho tiền mặt như in ấn, vận chuyển, gửi vào, rút ra, chi phí nhân lực liên quan đến kiểm đếm cuối ngày và thuận tiện cho việc quản lý…

Thanh toán không dùng tiền mặt cũng không làm phát sinh thêm những chi phí gián tiếp, như: chí phí ủy quyền, phí bảo hiểm cho giao dịch bằng tiền mặt, đó là chưa kể độ an toàn kém trong quá trình vận chuyển những món tiền mặt có số lượng lớn.

Trước xu hướng tiêu dùng không dùng tiền mặt, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ khác, bệnh  viện, trường học…  đều triển khai các ứng dụng hiện đại để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cùng với VNPAY đã đưa kênh mua sắm “VinMart: Siêu thị tại nhà" lên ứng dụng iPay Mobile, giúp người dùng mua sắm an toàn trong mùa dịch.

Điểm nhấn nổi bật của kênh mua sắm “Vinmart: Siêu thị tại nhà” trên iPay Mobile đó là quy trình đóng gói, bảo quản và giao hàng được đồng bộ hóa. Thực phẩm tươi sống được sử dụng các phương pháp bảo quản lạnh tốt nhất, giao hàng đạt chuẩn, đảm bảo tươi ngon trong thời gian ngắn nhất.

Phó Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Thúy Bình cho biết, 99% các khoản thu của Vietjet hiện nay đều không liên quan gì đến tiền mặt. Năm 2019 tổng thu không tiền mặt của toàn hệ thống Vietjet đạt 2,5 tỷ USD tăng 25% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, Vietjet liên tục phát triển các tiện ích thanh toán cho khách hàng thông qua: thẻ tín dụng như Visa, Master, JCB, Amex, thẻ ghi nợ nội địa, E-banking kết nối với hơn gần 40 ngân hàng tại Việt Nam và nước ngoài, QR Pay, hợp tác với các ví trong nước, phương thức thanh toán mới là trả góp online.

Không đứng ngoài cuộc, nhiều dịch vụ công, các dịch vụ y tế, giao thông, trường học… đã triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (Hà Nội) cũng đã liên kết với ngân hàng Vietinbank đưa vào áp dụng dịch vụ thanh toán viện phí bằng Thẻ khám bệnh.

Khi bệnh nhân đến thăm khám, có giấy tờ tùy thân thì có thể phát hành ngay thẻ cho khách hàng. Sau khi, khách hàng có thẻ này thì ngân hàng cũng mở tài khoản cho khách hàng.

Khách hàng có thẻ rồi thì có thể nộp tiền và thẻ. Đi từng khoa, phòng khám khám bệnh thì viện phí sẽ được trừ ngay trên tài khoản mà không phải xếp hàng tại quầy thu viện phí để trả bằng tiền mặt.

Theo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) thì hiện Napas xử lý 2,8 triệu giao dịch/ngày, tức gần 21.000 tỷ đồng/ngày, tương ứng gần 1 tỷ USD thanh toán không dùng tiền mặt mỗi ngày.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng bộ phận sản phẩm tại Việt Nam - Lào - Campuchia của Tập Đoàn Visa cho biết, khảo sát về thái độ người dùng của Visa vừa công bố cho thấy tỉ lệ sử dụng tiền mặt tại Việt Nam giảm do nhiều lý do như có nhiều nơi chấp nhận thanh toán không tiền mặt và người tiêu dùng thấy tiện lợi với các phương thức thanh toán mới như thanh toán thẻ, thanh toán trên các thiết bị di động và thương mại điện tử.

Đại diện Tập đoàn này cũng chia sẻ, Visa đang phối hợp với ngân hàng để triển khai thanh toán không tiền mặt đến từng sạp chợ, điểm bán, quán xá trên vỉa hè, nên kỳ vọng tỉ lệ thanh toán không tiền mặt sẽ tăng trong thời gian tới nhằm tạo ra những thuận tiện cho người tiêu dùng, người kinh doanh…

Sự thay đổi của người tiêu dùng cũng đặt ra những thách thức cho các tổ chức tín dụng và các ứng dụng trong việc, xây dựng hệ sinh thái thanh toán là câu chuyện để giữ khách hàng.

Ông Lê Tấn Thiên Vũ, Giám đốc Quản lý đối tác chiến lược và Phát triển kinh doanh, Grab Việt Nam cho rằng, nếu như trước đây, mỗi ứng dụng thường sẽ chỉ phục vụ giải quyết một dich vụ thì xu hướng mới công nghệ đa ứng dụng hay một ứng dụng có thể giải quyết đa dịch vụ từ đi lại, giao hàng, thanh toán, đặt món… tạo ra những tiện ích giải quyết nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dùng.

Chính điều này sẽ thúc đẩy phát triển thanh toán không di động, theo đại diện của Grab Việt Nam, với giao dịch không dùng tiền mặt, người tiêu dùng được tích điểm và quy đổi thành các dịch khác, tăng sự tiện lợi và tính trung thành của người dùng.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết so với 5 năm trước, thanh toán không tiền mặt đã có bước tiến rất lớn. Nếu trước đây chuyển khoản khác hệ thống tiền chưa thể vào tài khoản ngay thì nay có thể báo có trong vòng 10 giây.

Theo ông Phạm Tiến Dũng thì Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo quy định cho phép mở tài khoản từ xa, người dân có thể ngồi tại nhà mở tài khoản mà không cần phải đến ngân hàng.

Đây là một cú hích cho thanh toán không dùng tiền mặt vì khi được áp dụng thì tỉ lệ người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng sẽ tăng lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn gặp những trở ngại do thói quen, tâm lý của người dân, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán còn nhiều hạn chế.

Ông Phạm Tiến Dũng cũng thừa nhận thanh toán không tiền mặt vẫn còn điểm nghẽn như các bộ, ngành chưa có cơ sở dữ liệu tập trung để ngân hàng kết nối vào làm dịch vụ thanh toán, một số đơn vị cung cấp dịch vụ chưa sẵn sàng.

Kết quả khảo sát thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại 6 quốc gia ASEAN (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Việt Nam) do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) thực hiện cho thấy tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn chiếm tới 79%, đặc biệt là tại vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn.

Việt Nam có khoảng 2/3 dân số sống ở khu vực nông thôn, sản xuất khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp thủy hải sản đóng góp khoảng 20% tổng GDP, nhưng số lượng người không có tài khoản tại ngân hàng còn nhiều cùng với việc phần lớn khách hàng ở khu vực nông thôn với mật độ dân thưa, chưa tiếp cận được với các hình thức thanh toán điện tử.

Chị Nguyễn Thị Thúy (Thanh Hóa) cho biết, dù có thẻ ATM, nhưng vẫn thường sử dụng tiền mặt để thanh toán khi đi chợ, đi siêu thị do thói quen tiêu dùng từ xưa đến giờ vẫn hay sử dụng tiền mặt. Hơn nữa, chị lo ngại không an tâm khi “quẹt thẻ”, sợ bị mất tiền oan vì không biết “thẻ có được bảo mật tốt hay không”.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử để đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới.

Bên cạnh đó, hạ tầng thanh toán tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 27,3% về tổng giao dịch xử lý và 20,3% về tổng giá trị trong giai đoạn 2016-2019, hệ thống chuyển mạch, bù trừ đã phát huy hiệu quả, tốc độ tăng trưởng năm 2019 so với năm 2018 đạt 171% về số lượng giao dịch và 96% về giá trị.

Đồng thời, hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với sự kết nối tới tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công...

Theo Bnews

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến