Dòng sự kiện:
'Thanh tra sẽ xác minh tính trung thực của bản kê khai tài sản'
01/03/2021 11:31:36
Thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và được trao nhiều quyền hạn để thực hiện công việc này.

Theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, cán bộ, công chức... phải hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và Nghị định 130 trước ngày 31/3. VnExpress phỏng vấn TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) về vấn đề này.

- Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có hiệu lực từ cuối năm 2020. Vì sao việc kê khai lần đầu được đưa ra mốc cuối tháng 3, thưa ông?

- Đây là công việc quan trọng và bao gồm nhiều khâu nên cần có thời gian để thực hiện, từ việc lập kế hoạch đến lên danh sách xác định những người phải kê khai, rồi thực hiện kê khai, giao nộp và công khai bản kê khai...

Tuy nhiên, đây cũng là công việc đã được làm nhiều năm theo Luật Phòng chống tham nhũng 2005, nay triển khai theo các quy định mới nên thời gian một tháng (tính từ khi Thanh tra Chính phủ ra văn bản hướng dẫn) là đủ để hoàn thành.

Đợt này là kê khai lần đầu, gồm cán bộ, công chức, sĩ quan công an, quân đội và người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng trở lên... Những người có nghĩa vụ kê khai cần nộp hai bản cho đơn vị quản lý. Các cơ quan có nghĩa vụ bàn giao một bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, hoàn thành trước ngày 30/4.

Những trường hợp chưa xác định được cơ quan nào kiểm soát tài sản, thu nhập thì tạm thời chưa bàn giao, chờ thực hiện theo hướng dẫn cụ thể tại Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền.

- Cơ quan nào sẽ kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập và thẩm quyền ra sao?

- Theo quy định thì Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh được xác định là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Với tư cách này, cơ quan thanh tra được trao nhiều quyền hạn, nhất là trong việc xác minh tính trung thực của bản kê khai.

Đó là yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai cung cấp, bổ sung thông tin liên quan, giải trình khi xuất hiện biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó, hoặc để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập; yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ việc xác minh.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có nhiệm vụ xác minh tài sản, thu nhập và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về lĩnh vực này; yêu cầu tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đang quản lý tài sản, thu nhập áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh.

Chúng tôi cũng có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định tài sản, thu nhập phục vụ việc xác minh.

Các quyền hạn này được trao cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết, không những bảo đảm hiệu quả của việc kiểm soát, mà còn phục vụ việc thu hồi tài sản tham nhũng khi người sở hữu tài sản được xác định là tội phạm tham nhũng.

TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Giang Huy

- Đây là đợt đầu triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập theo luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130. Vậy thay đổi đáng chú ý nhất của lần này so với trước đây là gì?

- So với quy định trước kia thì kê khai tài sản thu nhập lần này có nhiều điểm mới.

Một là đối tượng kê khai bao gồm tất cả cán bộ, công chức; người giữ chức vụ từ phó phòng trở lên và tương đương trong đơn vị sư nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, sỹ quan công an, quân đội quân nhân chuyên nghiệp, những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Hai là tài sản, thu nhập phải kê khai cũng có sự điều chỉnh cho đơn giản và phù hợp với thực tế hơn. Điều này được thể hiện trong mẫu bản kê khai mới (ban hành kèm Nghị định 130) với những hướng dẫn rất cụ thể, từ mô tả về tài sản, biến động, giải trình nguồn gốc...

Ba là, các bản kê khai sẽ được tập trung vào một số đầu mối nhất định, thay vì để rải rác như trước kia để tạo điều kiên thuận lợi cho việc kiểm soát, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng của biện pháp này.

- Lần này việc công khai các bản kê khai được thực hiện ra sao?

- Việc công khai lần này được thực hiện tương tự trước đây, tức là vẫn bao gồm hai hình thức: Niêm yết tại nơi làm việc hoặc công khai tại cuộc họp.

Nghị định 130 quy định rõ, bản kê khai của người giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng và tương đương trở lên công tác tại các cơ quan Trung ương được niêm yết tại trụ sở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo từ cấp cục, vụ và tương đương trở lên.

Bản kê khai của người giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống được niêm yết tại đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo cấp phòng trở lên trong đơn vị, nơi không tổ chức đơn vị cấp phòng thì tại cuộc họp toàn thể đơn vị.

Bản kê khai của Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, UBND các cấp được niêm yết tại trụ sở HĐND, UBND hoặc công bố tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND...

Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai. Đối với cuộc họp công khai bản kê khai phải bảo đảm có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập.

- Hiện nay các cơ quan Trung ương và địa phương đang tiến hành quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Các ứng viên này thực hiện kê khai tài sản như thế nào?

- Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện theo mẫu. Trong đó, ngoài thông tin của người kê khai tài sản, thu nhập, còn có thông tin của vợ hoặc chồng, các con chưa thành niên.

Thông tin mô tả về tài sản gồm có quyền sử dụng đất thực tế đối với đất ở; nhà ở, công trình xây dựng; tài sản khác gắn liền với đất, vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tiền Việt Nam và ngoại tệ (gồm tiền mặt, cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên; cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp; tài sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản được cấp giấy đăng ký (như tàu bay, tàu thủy...); tài sản ở nước ngoài.

Bản kê khai phải có trong hồ sơ ứng cử nộp trước thời điểm kết thúc việc nhận hồ sơ ứng cử mới được coi là hợp lệ. Sau đó, bản kê khai của người ứng cử sẽ được công khai cho cử tri được biết trước ngày diễn ra bầu cử.

- Những giải pháp để kiểm soát thực chất tài sản, thu nhập của người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là gì?

- Kê khai tài sản, thu nhập là biện pháp phòng, chống tham nhũng. Để hạn chế tính hình thức và kiểm soát thực chất tài sản của người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp khóa mới, trước hết cần quán triệt cho những người tham gia ứng cử thấy tầm quan trọng của công việc này và trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật, của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Tiếp đó, bản kê khai của người ứng cử phải được công khai để cử tri theo dõi, giám sát và có thể phản ảnh với cơ quan có thẩm quyền nếu họ thấy có biểu hiện của sự không trung thực trong việc kê khai. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời tiến hành xác minh để đánh giá tính trung thực của việc kê khai.

Nếu bị kết luận là kê khai không trung thực thì người ứng cử sẽ bị xóa tên ra khỏi danh sách ứng cử. Bản kê khai của người ứng cử cũng là điểm mốc để căn cứ vào đó, cơ quan kiếm soát sẽ đánh giá sự biến động tài sản sau này của họ, kịp thời phát hiện dấu hiệu về sự gia tăng bất thường để xử lý.

Tác giả: Hoàng Thùy

Theo: Vnexpress
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến