Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian qua nhằm tiếp tục có giải pháp, công cụ điều hành để ổn định, bình ổn ngay thị trường vàng.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý thị trường vàng
Đồng thời, khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng.
Kết luận của Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN phải báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5-2024 và nhấn mạnh "không để chậm trễ hơn nữa".
NHNN cũng được yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính phối hợp với NHNN thực hiện ngay các giải pháp để yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng theo từng lần. Với nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng yêu cầu "không để chậm trễ" và phải hoàn thành chậm nhất trong quý II/2024.
Ngoài ra, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ... và các cơ quan có liên quan được yêu cầu phối hợp với NHNN trong việc quản lý, bình ổn thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 5 lần đấu thầu vàng miếng SJC để tăng cung vàng, với kỳ vọng "hạ nhiệt" giá vàng.
Sau 5 lần được tổ chức đấu thầu, khoảng 6.800 lượng vàng miếng SJC đã được doanh nghiệp mua. Đây là con số khá khiêm tốn so với khối lượng chào thầu của NHNN.
Tuy nhiên, sau các phiên đấu thầu, giá vàng SJC đã tăng mạnh và liên tiếp thiết lập mức kỷ lục mới. Đăc biệt trong ngày 10-5, giá vàng miếng SJC lập đỉnh mới khi có giá hơn 92 triệu đồng/lượng.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy