Dòng sự kiện:
Thanh tra toàn diện quy hoạch, đầu tư, xây dựng công trình điện
27/02/2022 06:21:26
Tổng thanh tra Chính phủ vừa có Quyết định Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII.

Quyết định này ban hành theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I) và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Thanh tra Chính phủ.

Theo đó Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Đầu tư điện mặt trời trải qua giai đoạn bùng nổ ở Việt Nam

Thời kỳ thanh tra từ năm 2011 đến hết năm 2021, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Thời hạn thanh tra là 85 ngày làm việc tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.

Tổng thanh tra Chính phủ giao Vụ trưởng Vụ I giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, theo dõi, xử lý hoặc trình Tông Thanh tra Chính phủ xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Đoàn thanh tra; Giao Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra giúp Tổng Thanh tra | Chính phủ giám sát hoạt động Đoàn thanh tra.

Ngoài các thành viên của Thanh tra Chính phủ, Quyết định nêu rõ Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Kèm theo quyết định này là danh sách 6 tỉnh có nhiều dự án điện mặt trời, điện gió thời gian qua. Đó là UBND tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bạc Liêu.

Thời gian vừa qua, sự bùng nổ của điện mặt trời, điện gió đã bổ sung lượng điện lớn điện tái tạo vào quy hoạch, vượt xa công suất điện mặt trời, điện gió tại Quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh hàng chục lần.

Điện mặt trời, điện gió được bổ sung dồn dập vào quy hoạch khiến một số tỉnh thành như Ninh Thuận, Bình Thuận... xảy ra tình trạng quá tải lưới điện, khiến nhiều dự án lâm cảnh sản xuất ra không bán được điện, bị giảm phát điện.

Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống (76.620 MW); sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã đạt 31,508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Cụ thể về điện gió, Việt Nam có 70 dự án điện gió (công suất 3.987 MW) đã vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt 3,34 tỷ kWh, chiếm 1,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Với điện mặt trời, riêng sản lượng điện từ các nguồn điện mặt trời trong năm 2021 chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Tổng công suất lắp đặt điện sinh khối và rác là 321 MW đến tháng 10/2021.

Tác giả: Lương Bằng

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến