Dòng sự kiện:
Thảo luận nâng cao hiệu quả giải quyết tố cáo và thành lập UB cạnh tranh Quốc gia
25/05/2018 09:15:46
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp

Qua quá trình tiếp thu chỉnh lý, dự thảo Luật đã được sửa đổi 53 điều, bổ sung 5 điều, bỏ 9 điều, giữ nguyên 10 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và hiện gồm 9 chương, 68 điều. 

Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện với các nội dung quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết tố cáo, cụ thể hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập của Luật Tố cáo hiện hành.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật đã được chỉnh lý đồng thời tập trung phát biểu về những vấn đề cơ bản còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên hình thức tố cáo như luật hiện hành, tập trung giải quyết tốt việc tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. 

Mặc dù không giải quyết đối với tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại như một số đại biểu Quốc hội đề nghị nhưng trong dự án luật cũng cần quy định cơ chế tiếp nhận, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua hình thức này nhằm phục vụ yêu cầu công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra. 

Các vấn đề khác của dự thảo Luật như quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; rút tố cáo; bảo vệ người tố cáo… cũng đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể để bảo đảm tính khả thi của luật khi đi vào cuộc sống.

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). 

Theo đó, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bổ sung một chương (Chương VII) quy định về cơ quan cạnh tranh, trong đó định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia và thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh. 

Người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các thành viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật. 

Ủy ban cạnh tranh Quốc gia thực hiện nhiệm vụ tham mưu trong quản lý Nhà nước về cạnh tranh, đồng thời thực hiện các hoạt động tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh một cách độc lập, tạo điều kiện để thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh.

Việc quy định Ủy ban cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, không thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, phù hợp với tinh thần đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Một số đại biểu đề nghị rà soát lại quy định này nhằm đảm bảo tính độc lập của Ủy ban, bảo đảm các quyết định của Ủy ban khi xử lý các vụ việc cạnh tranh khách quan, công bằng và tuân thủ pháp luật.

Theo chương trình, ngày 25/5, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 và Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Phiên họp quan trọng này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Theo TTXVN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến