Tháp Thần Nông được ghép bởi 1.012 cối đá xếp vòng ngoài có chiều cao 15m, chia thành 5 tầng bên trong là khung cột bê tông được đổ kiên cố. Tháp được thiết kế mô phỏng hình hạt lúa, dựng theo chiều thẳng đứng, vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ mô hình giáo dục văn hóa trải nghiệm. Bên trong Tháp Thần Nông có bậc thang lên xuống, giúp du khách có thể dễ dàng tham quan, trải nghiệm lần lượt công trình đặc biệt này, đồng thời càng lên cao càng có thể nhìn ngắm được bao quát khung cảnh xung quanh. Quần thể cối đá, trục đá kéo lúa, cối đá xay thóc/gạo… được bài trí xung quanh tháp để hình thành một khu trưng bày đồ đá tạo tác là những biểu tượng gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước.
Đây là khu trưng bày cối đá và văn hóa lúa nước đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh hướng tới sự phát triển dịch vụ trải nghiệm, dịch vụ, du lịch bền vững (Ảnh: Tuấn Anh)
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thương Đông Đô, cho biết khi sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại, tại nhiều vùng quê, những chiếc cối đá, trục đá, cối xay lúa… bị bỏ đi nhiều.
Với tình yêu, mong muốn lan tỏa nền văn hóa truyền thống của dân tộc, ông dành thời gian, công sức, của cải để sưu tầm cối đá, xây dựng khu trưng bày. Qua đó, ông muốn lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa của những vùng quê, của nền văn hóa nông nghiệp, lưu giữ ký ức của một thế hệ, một giai đoạn văn hóa lịch sử của vùng quê miền Bắc.
Đây là khu trưng bày cối đá và văn hóa lúa nước đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh hướng tới sự phát triển dịch vụ trải nghiệm, dịch vụ, du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương; đồng thời gìn giữ, bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa Kinh Bắc và văn hóa lúa nước.