Dòng sự kiện:
Thấp thỏm xuất siêu
11/07/2019 16:18:27
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch XK ước đạt 122,4 tỷ USD, tăng 7,1% và NK khoảng 120,7 tỷ USD, tăng 8,8%.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng thặng dư khoảng 1,7 tỷ USD. XK hàng hóa của Việt Nam đạt kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm chủ yếu nhờ vào nhóm hàng công nghiệp chế biến, đạt 102,2 tỷ USD, tăng 9,1% so cùng kỳ 2018.

Những năm gần đây, Việt Nam liên tiếp xuất siêu. Đó được nhìn nhận là thành quả thắng lợi, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế nói chung. Tuy nhiên, hiện nay cục diện đã có phần đổi thay. Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia các FTA đình đám như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), cùng với đó cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ- Trung Quốc leo thang hay xu thế bảo hộ gia tăng tại các thị trường đang là những yếu tố tác động không nhỏ tới thương mại của Việt Nam.

Hàng Việt Nam XK tăng trưởng nhanh vào các thị trường phải đối mặt với nguy cơ cao bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp và gần đây điển hình là chống lẩn tránh thuế. Vụ việc Hoa Kỳ chính thức kết luận có tình trạng lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng NK từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc mới đây là một ví dụ. Thậm chí, tại cuộc họp của Bộ Công Thương ngay ngày 9/7 về vấn đề chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hoá, đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) còn phải thốt lên rằng: Hiện nay, tăng trưởng XK càng nhiều thậm chí lại đáng lo hơn cả đáng mừng.

Sòng phẳng mà nói, với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, XK hàng hoá vẫn là yếu tố vô cùng quan trọng đóng góp vào tăng trưởng chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, yêu cầu đặt ra cho XK hàng hoá Việt Nam không hề nhỏ. Do vậy, bên cạnh việc hăm hở làm sao để tận dụng tốt các FTA, thúc đẩy XK hàng hoá càng nhiều càng tốt, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tập trung trọng tâm hơn nữa trong việc kiểm soát hàng hoá XK.

XK tăng trưởng nóng có thực sự đều là hàng Việt Nam xuất đi? Làm sao để kiểm soát tốt vấn đề xuất xứ, tránh hàng hoá nước khác gian lận, lợi dụng xuất xứ Việt để trục lợi, gây ra nguy cơ hàng Việt rơi vào tầm ngắm áp thuế của các thị trường XK lớn… Đó là những câu hỏi phải được nghiêm túc xem xét, giải đáp càng nhanh càng tốt. Bởi, trong sân chơi kinh tế quốc tế với sự cạnh tranh ngày một khốc liệt, chậm chân chính là tự đẩy mình tiến đến gần hơn với thua cuộc.

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến