Hô biến đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng của Sabeco cho doanh nghiệp tư nhân (Ảnh: Trần Xuân Tình/Vietnam+)
Đất công có vị trí đắc địa được cho thuê, giao chủ đầu tư trái quy định. Doanh nghiệp nhà nước từ chỗ đứng tên quyền sử dụng đất hoặc giữ quyền chi phối dự án đã rút vốn góp thu về giá trị bèo bọt để “nhường chỗ” cho doanh nghiệp tư nhân.
Chuyện xảy ra ở một số khu đất “vàng” tại Thành phố Hồ Chí Minh như 2-4-6 Hai Bà Trưng, 8-12 Lê Duẩn và 15 Thi Sách trên địa bàn Quận 1 là những ví dụ điển hình.
"Di chứng" nặng nề
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, khu đất 8-12 Lê Duẩn có tổng diện tích hơn 4.800 m2 thuộc sở hữu Nhà nước, giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý kinh doanh nhà Thành phố Hồ Chí Minh (công ty nhà nước) quản lý và cho thuê.
Do có mối quan hệ tình cảm với bà Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Tháng Năm, Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue) nên ông Nguyễn Thành Tài, lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ký nhanh, ký nhiều văn bản chỉ đạo, chấp thuận theo đề xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý kinh doanh nhà và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, trái với các quy định pháp luật trong việc thành lập pháp nhân mới đầu tư dự án; cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Tháng Năm tham gia góp 30% vốn tại dự án; không thẩm định kinh nghiệm, năng lực tài chính, bản chất là chuyển dịch tài sản thuộc quyền quản lý khu đất từ Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.
Hô biến đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng của Sabeco cho doanh nghiệp tư nhân (Ảnh: Trần Xuân Tình/Vietnam+)
Ông Nguyễn Thành Tài còn ký quyết định giao đất và cho thuê đất chỉ định tại khu đất 8-12 Lê Duẩn cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue không đúng đối tượng, trái với Quyết định 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 140/1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chấp thuận áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng một dự án.
Sau đó, các công ty chuyển nhượng cổ phần, dẫn tới khu đất công 8-12 Lê Duẩn rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Theo cơ quan tố tụng, giá trị quyền sử dụng đất khu đất 8-12 Lê Duẩn tính tại thời điểm khởi tố vụ án (tháng 12/2018) được xác định là 2.554 tỷ đồng, giá trị công trình trên đất tại thời điểm giao đất, cho thuê đất (tháng 6/2011) là 21 tỷ đồng.
Hành vi phạm tội nói trên của các bị can đã gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí 2.047 tỷ đồng cho Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue chỉ mới nộp ngân sách Nhà nước 647,5 tỷ đồng bao gồm giá trị tiền sử dụng đất và công trình trên đất, tiền thuê đất tại 8-12 Lê Duẩn.
Về mặt tố tụng, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã có kết luận điều tra bổ sung, truy tố các bị can về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, việc xử lý hậu quả kinh tế trong vụ việc này vẫn chưa “ngã ngũ” khi doanh nghiệp tư nhân đã đóng hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách.
Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa thể thu hồi khu đất có vị trí đắc địa này và càng không thể chỉ bằng những quyết định hành chính để vừa có thể trả lại tiền cho doanh nghiệp một cách “êm xuôi” mà không phải mất thêm khoản đền bù thiệt hại, lại vừa có thể thu hồi đất công một cách “nhẹ nhàng.”
Chưa kể việc cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đứng trước vụ kiện dân sự cũng như sụt giảm uy tín trong việc đảm bảo môi trường đầu tư công bằng, bình đẳng.
Phức tạp không kém là khu đất 15 Thi Sách, Quận 1. Khu đất này có diện tích 2.345 m2 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý kinh doanh nhà Thành phố Hồ Chí Minh (doanh nghiệp nhà nước) quản lý.
Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 do Phan Văn Anh Vũ làm Giám đốc đã lợi dụng danh nghĩa “Tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo - Bộ Công an” đã ký nhiều văn bản hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ thuê lại khu đất này mặc dù không thuộc diện được thuê lại. Từ đó, Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được hỗ trợ trái pháp luật số tiền hơn 802 tỷ đồng giá trị tiền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố thời điểm đó đã ký văn bản chấp thuận cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được thuê lại khu đất 15 Thi Sách mà không phải thông qua đấu giá.
Tuy nhiên sau khi được thuê lại, Phan Văn Anh Vũ không xây dựng dự án nhằm phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an mà làm dự án bất động sản bán, thu lợi cá nhân.
Khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn được định giá bèo bọt, gây thất thoát tài sản nhà nước (Ảnh: Trần Xuân Tình/Vietnam+)
Cụ thể, Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 đã hợp thức hóa việc chuyển mục đích sử dụng đất, thành lập công ty làm dự án để xây dựng cao ốc Madison cao 18 tầng, bán và thu tiền của 114 khách hàng với hơn 1.033 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá trị sử dụng đất khu đất 15 Thi Sách tính đến thời điểm khởi tố vụ án (tháng 9/2018) là 802 tỷ đồng, nhưng Nhà nước chưa thu hồi được. Hành vi phạm tội của các bị cáo còn gây thiệt hại cho người thứ 3 khi giao dịch ngay tình, mua bán tại dự án bất động sản 15 Thi Sách.
Mặc dù các bị cáo đã nhận các án tù nghiêm khắc, trong đó cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín lĩnh 7 năm tù, nhưng theo cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm và phúc thẩm, hiện nay việc xử lý hậu quả vụ án 15 Thi Sách rất khó khăn, phức tạp và sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho Nhà nước về tiền bạc, thời gian và công sức của những người giải quyết hậu quả.
Thoái vốn trái quy định
Sai phạm đất công không chỉ diễn ra đối với các khu đất thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng của các đơn vị nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, mà diễn ra ở cấp bộ, ngành Trung ương có đơn vị trực thuộc hoạt động trên địa bàn thành phố. Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, là một trong số đó.
Khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn được định giá bèo bọt, gây thất thoát tài sản nhà nước (Ảnh: Trần Xuân Tình/Vietnam+)
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất bản Kết luận điều tra số 40/KLĐT-VPCQCSĐT-P4 truy tố một số lãnh đạo Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến khu đất nói trên, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (viết tắt là Tổng Công ty Sabeco, trực thuộc Bộ Công Thương) hàng năm đều nộp tiền thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có diện tích 6.080m2 cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Thực hiện phương án sắp xếp, xử lý lại các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước do Tổng Công ty Sabeco đang sử dụng, trong đó có khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, với sự chấp thuận của lãnh đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Sabeco được tiếp tục sử dụng và là nhà đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn 6 sao trung tâm thương mại, hội nghị, hội thảo, cao ốc văn phòng cho thuê.
Để triển khai dự án này, năm 2007 Tổng Công ty Sabeco đã liên danh với một số đối tác thành lập Công ty Cổ phần Bất động sản Sabeco nhưng không thực hiện được. Đến năm 2015, Tổng Công ty Sabeco tái khởi động dự án thông qua việc thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Sabeco Pearl (gọi tắt là Công ty Sabeco Pearl) với vốn điều lệ khoảng 484 tỷ đồng, gồm các cổ đông: Tổng Công ty Sabeco (vốn góp 26%), Công ty Cổ phần Attland, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hà An và Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh.
Tổng Công ty Sabeco sẽ chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho công ty cổ phần để triển khai dự án bất động sản 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Sau nhiều lần thay đổi lãnh đạo, Công ty Sabeco Pearl được đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh và thay đổi nội dung kinh doanh.
Về sau, các cổ đông rút vốn, chỉ còn lại Công ty Cổ phần Attland và từ đây, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng thuộc sở hữu doanh nghiệp 100% vốn tư nhân. Tổng Công ty Sabeco chỉ thu về được gần 197 tỷ đồng từ việc thoái 26% vốn góp, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Để hợp thức hóa cho việc thoái vốn phần vốn công ty nhà nước tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, một số cá nhân lãnh đạo Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trương và chỉ đạo việc điều chỉnh bổ sung thêm chức năng dự án như chức năng căn hộ ở, chức năng officetel.
Theo các kết quả giám định giá trị quyền sử dụng đất được nêu trong Bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, giá khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng lần lượt ở mức 1.075 tỷ đồng với tiêu chí không có chức năng căn hộ cho thuê, 2.505 tỷ đồng khi có chức năng căn hộ cho thuê và 3.816 tỷ đồng khi có chỉ tiêu quy hoạch căn hộ ở.
Trong khi đó, diện tích 6.080 m2 đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được định giá “bèo bọt,” không đúng với giá trị thật dẫn tới việc Công ty Sabeco Pearl chỉ phải đóng 997 tỷ đồng tiền sử dụng đất, phía Tổng Công ty Sabeco chỉ thu về gần 197 tỷ đồng từ việc thoái 26% vốn góp của công ty Nhà nước.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị cuối cùng đứng tên quyền sử dụng đất của khu đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an đã xác định, hành vi phạm tội của ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa đã khiến quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng bị dịch chuyển từ tài sản Nhà nước sang tài sản của doanh nghiệp tư nhân.
Bản thân ông Hoàng và bà Thoa đã chỉ đạo Tổng Công ty Sabeco thoái 26% vốn góp, cho nhóm đối tác được mua lại phần vốn góp này cũng như quyết liệt chỉ đạo Tổng Công ty Sabeco đẩy nhanh việc thoái vốn… trái quy định.
Hành vi vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa diễn ra trong thời gian dài, có tính hệ thống, cố ý làm trái các quy định của pháp luật, chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt lớn cho ngân sách Nhà nước.
Đất vàng 15 Thi Sách liên quan đến Vũ 'nhôm' (Ảnh: Trần Xuân Tình/Vietnam+)
Đối với cá nhân lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố có hành vi phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” khi chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng không đúng đối tượng, trái với các quy định của pháp luật để chuyển quyền sử dụng khu đất này từ Tổng Công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl.
Rõ ràng, “gạo đã nấu thành cơm,” bằng chiêu thức góp vốn làm dự án, sau đó chuyển nhượng, rút hết vốn, các công ty nhà nước đã để lại “di chứng nặng nề” là không đảm bảo tối đa quyền lợi Nhà nước, làm lợi cho các công ty tư nhân khi để họ làm chủ đầu tư dự án trái pháp luật.
Trên thực tế, khu đất 15 Thi Sách, Quận 1, đã xây đến tầng 18, bán cho khách hàng với các giao dịch ngay tình. Tương tự, quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, 8-12 Lê Duẩn đã thuộc về doanh nghiệp tư nhân.
Cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước đã bị xử lý hình sự, nhưng dư luận vẫn đang trông đợi việc thu hồi, hạn chế tối đa thất thoát tài sản Nhà nước, đồng thời vẫn phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng tại các khu đất nói trên.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy