Dòng sự kiện:
Thay đổi thói quen để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp
11/09/2018 13:00:15
Bên cạnh thị trường trái phiếu Chính phủ đang dần ổn định và là công cụ đắc lực cho quá trình tái cơ cấu nợ công, trái phiếu DN đang nổi lên như một kênh huy động nhiều tiềm năng cho trung và dài hạn của nền kinh tế

Để phát huy được tiềm năng đó, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, việc các DN thay đổi thói quen phụ thuộc vào tín dụng để nâng cao giá trị DN và mạnh dạn phát hành trái phiếu là một trong những giải pháp căn cơ.
Chưa tương xứng

Các doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi huy động vốn trái phiếu, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: ST.

 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến thời điểm cuối năm 2017, dư nợ của thị trường TPDN tương đương 6,19% GDP, tăng so với quy mô của năm 2011 (3,31% GDP). Khối lượng phát hành bình quân giai đoạn 2011 - 2017 khoảng 49 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó khối lượng phát hành năm 2017 gấp hơn 10 lần so với năm 2011.

Mặc dù quy mô thị trường TPDN có sự tăng trưởng trong thời gian gần đây nhưng còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng (tương đương 130% GDP). Dư nợ thị trường TPDN Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20%-50% GDP của các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế.

Theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, việc phát triển thị trường trái phiếu trong đó có TPDN đang là một hướng đi quan trọng để huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN huy động vốn trái phiếu.

Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai đồng bộ một số giải pháp, trong đó chú trọng nhất là hoàn thiện khung pháp lý về phát hành TPDN theo hướng tách bạch phương thức phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 90 về phát hành TPDN riêng lẻ, trong đó nới lỏng điều kiện phát hành để tạo thuận lợi cho DN huy động vốn trái phiếu gắn với việc tập trung vào nhà đầu tư có tổ chức, tăng cường cơ chế công bố công khai thông tin của DN phát hành để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ 2, trong đó đánh giá khả năng gắn xếp hạng tín nhiệm vào phát hành TPDN ra công chúng. Bên cạnh cơ chế phát hành, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách về đầu tư, nắm giữ TPDN đảm bảo đồng bộ với các cơ chế chính sách hiện hành trên thị trường tiền tệ, tín dụng nhằm tạo sự liên thông giữa phát triển thị trường TPDN và thị trường tiền tệ – tín dụng.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, có chính sách khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư dài hạn như DN bảo hiểm, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện theo Nghị quyết số 28 ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội, nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao theo nguyên tắc bảo đảm an toàn, bền vững. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách đầu tư của Bảo hiểm xã hội để trình cấp có thẩm quyền cho phép Bảo hiểm xã hội đầu tư một phần vào các TPDN có xếp hạng tín nhiệm cao.

Cuối cùng, việc thiết lập chuyên trang thông tin tập trung về TPDN tại Sở Giao dịch Chứng khoán là hết sức cần thiết đồng thời với việc cải tiến cơ chế công bố thông tin về phát hành TPDN để tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu.

Nâng cao tín nhiệm

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, để nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường trái phiếu, bản thân các DN phải thay đổi thói quen, cần tăng cường năng lực quản trị công ty, chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính, nâng cao nghĩa vụ công bố thông tin của DN, tăng cường thông tin tuyên truyền để các DN quan tâm và tham gia huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ chính sách tín dụng theo hướng có lộ trình giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn; hạn chế tối đa cho vay vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của các tổ chức tín dụng đối với một khách hàng để giảm bớt rủi ro về kỳ hạn, nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng và thúc đẩy việc huy động vốn qua phát hành TPDN.

Liên quan đến hoạt động đánh giá DN khi phát hành TPDN, không thể thiếu việc xếp hạng định mức tín nhiệm. Đây là hoạt động thu thập thông tin, phân tích, đưa ra nhận định, xếp hạng về khả năng tài chính, khả năng thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ nợ của DN, tổ chức và khả năng thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ nợ của công cụ nợ được xếp hạng. Xếp hạng tín nhiệm có vai trò tương đối lớn đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu. Kết quả xếp hạng tín nhiệm giúp DN phát hành quảng bá uy tín, thương hiệu, năng lực tài chính, đồng thời giúp nhà đầu tư có công cụ đánh giá rủi ro tín nhiệm của DN để định hướng đầu tư. Đối với cơ quan quản lý, xếp hạng tín nhiệm góp phần tạo nên một thị trường công khai, minh bạch về thông tin.

Về khung khổ pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg về quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 .

Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện nay, cũng đã có 1 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, có 3 DN nước ngoài đang nghiên cứu thị trường Việt Nam và thể hiện sự quan tâm trong thời gian tới.

Song, bà Phan Thị Thu Hiền cho rằng, việc phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phụ thuộc cả vào yếu tố cung và cầu của thị trường. Đối với DN cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải đáp ứng được chất lượng cung cấp dịch vụ, phải có kinh nghiệm và uy tín; Đối với DN phát hành trái phiếu, phải có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu, thời gian tới sẽ yêu cầu TPDN phát hành ra công chúng thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi điều kiện thị trường cho phép. Nội dung này đang được nghiên cứu để quy định cùng với dự thảo Luật Chứng khoán. Còn đối với trái phiếu riêng lẻ sẽ khuyến khích các DN xếp hạng tín nhiệm để tăng cường công khai, minh bạch về thông tin.


Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 90 về phát hành TPDN riêng lẻ, trong đó nới lỏng điều kiện phát hành để tạo thuận lợi cho DN huy động vốn trái phiếu gắn với việc tập trung vào nhà đầu tư có tổ chức, tăng cường cơ chế công bố công khai thông tin của DN phát hành để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Theo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến