Dòng sự kiện:
Thấy gì qua chính sách tiền tệ của Mỹ và châu Âu
19/09/2018 19:00:49
Định hướng điều hành của NHTW các nước lớn trong bối cảnh kinh tế hiện nay đã đặt ra câu hỏi là liệu chính sách tiền tệ (CSTT) còn có ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế và sự ổn định tài chính?

Trước hết hãy cùng xem lại CSTT của Mỹ và khu vực châu Âu – hai hệ thống kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Chính sách nới lỏng tín dụng tại Mỹ - một cấu phần quan trọng trong chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế - đã góp phần đưa GDP trong nửa đầu năm lên mức 2,8%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng tiềm năng là 1,8%. Tuy nhiên, dự báo các chính sách kích thích đó đang làm gia tăng mối quan ngại về lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tại Mỹ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, còn CPI lõi tăng 2,2%, đã duy trì xu hướng tăng từ tháng 8/2017.

Ảnh minh họa

Như vậy cả 3 chỉ báo của lạm phát đều đã đạt hoặc vượt giới hạn trên của phạm vi 0 đến 2% thường được xác định là mức giá ổn định.Trong khi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – một thước đo lạm phát ưa thích của Fed cũng tăng đều đặn kể từ giữa năm 2017 lên 2,2% vào cuối tháng 6; PCE lõi tăng 1,9%. Chi phí cho một đơn vị lao động – cơ sở của lạm phát - cũng đang tăng với tốc độ hàng năm là 2% do việc tăng lương danh nghĩa hàng năm trong khi năng suất tăng trưởng chậm chạp.

Thực tế đó cho thấy rõ ràng là Fed không thể kiềm chế được lạm phát. Trong báo cáo được công bố tuần trước, các quan chức Fed cũng thừa nhận việc kiểm chế lạm phát sẽ rất khó khăn và lạm phát sẽ tăng trên 2%.

Đó là một tín hiệu chính sách kỳ lạ và dường như Fed đang nhìn nhận rằng, giá cả hàng hóa tiêu dùng phổ biến của nước Mỹ không liên quan gì đến việc thiết lập chính sách. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu lại không cảm nhận như vậy: Kỳ vọng lạm phát tăng vọt đã đẩy đường cong lợi suất tăng cao với việc lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm đã đóng cửa tuần trước ở mức 3%, cao hơn 14 điểm cơ bản so với thời điểm đầu tháng.

Cần nhớ rằng, việc các nhà đầu tư trái phiếu “tự quyết” như vậy cho thấy niềm tin vào các cam kết của NHTW trong việc ổn định giá cả và sức mua đồng tiền đang bị lung lay.

Trong khi đó, NHTW châu ÂU – ECB lại khá hài hòa với các thị trường tài sản. Chỉ số CPI lõi của toàn khu vực chỉ ở mức 1,2% - đảm bảo cho việc duy trì CSTT dễ dãi để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong khoảng 2 – 2,5%.

Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng của khu vực đông tiền chung cũng đang được cải thiện tích cực. Tín dụng đối với khu vực tư nhân tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 3%, trong khi đó các khoản cho vay đối với Chính phủ đã giảm về mức bình quân hàng năm là 3,7% trong 3 tháng vừa qua từ mức tăng 7% của những tháng cuối năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, ECB có kế hoạch cắt giảm khối lượng mua trái phiếu hàng tháng song vẫn duy trì chương trình này cho tới hết năm và vẫn giữ nguyên mức lãi suất 0% cho đến hết mùa hè của năm tới.

Trong khi các Chính phủ khu vực châu Âu cũng đang nỗ lực củng cố tài chính công để tạo thuận lợi và sự hiệu quả hơn cho các chính sách của ECB, như có thể sẽ nới lỏng kiểm soát tài chính ở một số nước thành viên, cụ thể như Đức, Hà Lan và một số nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong điều kiện ECB bắt đầu rút dần các chính sách thích ứng phi truyền thống.

Như vậy, rõ ràng là cả Fed và ECB đều có trách nhiệm nhất định để giữ cho nền kinh tế tăng trưởng trong một môi trường tài chính ổn định. Làm được điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của kinh tế toàn cầu và giữ được vị thế của mình trong trật tự kinh tế thế giới.

Chỉ khi họ không thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng đó, băn khoăn về chiến tranh thương mại, các biện pháp trừng phạt sẽ trở thành mối de dọa thực sự đối với việc làm, thu nhập và giá trị tài sản.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến