Dòng sự kiện:
Thấy gì qua hoạt động của các ngân hàng ngoại
08/03/2019 21:07:32
Không khó để nhận ra lý do mà các TCTD nước ngoài đẩy mạnh hoạt động tại VN đó chính là những cơ hội kinh doanh rộng mở khi mà kinh tế VN luôn có mức tăng trưởng cao hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Thị trường tiền tệ năm 2018 đã chứng kiến sự phát triển khá mạnh mẽ của các TCTD nước ngoài tại Việt Nam. Nổi bật nhất là việc United Overseas Bank (UOB) của Singapore nâng cấp chi nhánh tại Việt Nam của mình lên thành ngân hàng con 100%. Với sự góp mặt của UOB Việt Nam, trên thị trường đã có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài gồm HSBC (Hồng Kông), ANZ (Úc), Standard Chartered, Shinhan Bank (Hàn Quốc), Hong Leong Bank (Malaysia - thành viên của Tập đoàn Hong Leong (Malaysia), CitiBank, CIMB (Malaysia), Public Bank Berhad (Malaysia) và UOB (Singapore).

Ảnh minh họa

Trước đó, vào hồi tháng 3, Siam Bank chi nhánh TP.HCM cũng tăng vốn lên 100,47 triệu USD…Lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng đông thêm với sự góp mặt của nhiều gương mặt mới Kookmin Bank chi nhánh Hà Nội với mức vốn được cấp là 35 triệu USD. Trong khi nhiều văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài cũng xin gia hạn thời gian hoạt động.

Không chỉ gia tăng về số lượng, năng lực tài chính của các TCTD nước ngoài tại Việt Nam cũng được nâng lên. Theo đó ngay từ những tháng đầu năm, đã có khá nhiều chi nhánh ngân hàng nước ngoài được ngân hàng mẹ rót thêm vốn. Đơn cử, trong tháng 5/2018, NHNN đã chấp thuận cho 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tăng vốn, đó là NongHuyp Bank Chi nhánh Hà Nội tăng vốn từ 35 triệu USD lên 80 triệu USD và Bank of China chi nhánh TP.HCM tăng vốn từ 80 triệu USD lên 100 triệu USD.

Các định chế tài chính nước ngoài cũng liên tục mở rộng vùng phủ sóng tại thị trường Việt Nam trong năm qua. Chẳng hạn chỉ vừa mới khai trương hoạt động trong một thời gian ngắn, cuối năm 2018 Ngân hàng TNHH MTV UOB Việt Nam đã mở thêm chi nhánh tại Hà Nội. Trước đó, một ngân hàng 100% vốn nước ngoài khác là Public Bank Việt Nam cũng mở thêm 3 chi nhánh và 2 phòng giao dịch, nâng mạng lưới giao dịch của mình lên 18 chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam.

Hay như Woori Bank Việt Nam cũng mở thêm 5 chi nhánh và 1 PGD mới, chủ yếu tại các tỉnh có khu công nghiệp lớn như Thái Nguyên, Hà Nam, Bình Dương. Hiện ngân hàng 100% vốn nước ngoài có mạng lưới lớn nhất tại Việt Nam chính làShinhan Bank. Với việc mở thêm 4 chi nhánh và PGD mới tại 2 thành phố lớn nhất nước trong năm qua, hiện tổng số điểm giao dịch của ngân hàng này trên toàn quốc là 30.

Thế nhưng điều đáng chú ý nhất chính là việc nhiều TCTD nước ngoài không hề giấu giếm tham vọng chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là trong mảng bán lẻ - mảng kinh doanh lâu nay mà các ngân hàng nội vẫn chiếm nhiều ưu thế nhờ vào lợi thế “am hiểu địa phương”.

Đơn cử như Shinhan Bank Việt Nam, với việc chi ra 151 triệu USD để mua lại Công ty tài chính tiêu dùng Prudential Finance (PVFC) tại Việt Nam, ngân hàng 100% vốn ngoại này tỏ rõ ý định muốn chiếm lĩnh thị phần tín dụng tiêu dùng. Không chỉ vậy Shinhan Bank còn đề ra mục tiêu nằm trong top 3 kinh doanh thẻ tín dụng trong 3 năm tới. Woori Bank cũng đang muốn mua lại mảng bán lẻ của một ngân hàng khác để hướng mục tiêu trở thành ngân hàng ngoại hàng đầu trên thị trường Việt Nam…

Số liệu thống kê của NHNN Việt Nam cũng cho thấy, hoạt động của các TCTD nước ngoài có bước tăng trưởng đột phá trong năm vừa qua. Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2018, tổng tài sản của khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài đã tăng tới 18,34% lên gần 1,13 triệu tỷ đồng. Trong khi tổng tài sản của khối NHTM Nhà nước chỉ tăng 5,18% và khối NHTMCP tăng 9,07%.

Không khó để nhận ra lý do mà các TCTD nước ngoài đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam đó chính là những cơ hội kinh doanh rộng mở khi mà kinh tế Việt Nam luôn có mức tăng trưởng cao hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp. Thêm vào đó, việc  còn là những cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA mà Việt Nam đã hoặc sắp ký kết. Tuy nhiên, cũng còn một lý do nữa là các ngân hàng ngoại tranh thủ cơ hội các ngân hàng nội “bận” với việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu để khuếch trương hoạt động, chiếm lĩnh thị phần.

Tuy nhiên, dù với bất cứ lý do gì, việc đẩy mạnh hoạt động của khối ngoại cũng khiến sức ép cạnh tranh trên thị trường tiền tệ ngày thêm lớn. Không thể phủ nhận, sự góp mặt của các ngân hàng ngoại sẽ giúp người dân và doanh nghiệp được tiếp cận với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, song đó lại là một áp lực không nhỏ buộc các ngân hàng nội phải nâng cao năng lực cạnh tranh nếu không muốn thua ngay trên sân nhà.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến