Dòng sự kiện:
Thấy gì từ cú bắt tay của HBC và CTD trong liên minh Hoa Lư?
29/06/2023 18:06:41
Việc Coteccons và Hòa Bình bắt tay hợp tác trong bối cảnh tình hình kinh doanh của cả hai đang ngày càng sa sút.

Ngày 27/6, tại ĐHĐCĐ thường niên của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) có sự tham gia đại diện của các đối tác trong liên danh Hoa Lư tham gia gói thầu dự án trọng điểm quốc gia Sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng.

Trong đó, đại diện Coteccons (CTD) là Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov, đại diện Công ty Xây dựng Central Cons là Chủ tịch HĐQT Trần Quang Tuấn, đại diện CTCP Xây dựng An Phong là Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Đồng.

Liên doanh Hoa Lư ngoài những cái tên trên thì còn có Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, Tổng Công ty Thành An, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta, Powerline Engineering (Thái Lan). 

Việc Coteccons và Hòa Bình bắt tay hợp tác trong bối cảnh tình hình kinh doanh của cả hai đang ngày càng sa sút.

Đặc biệt tại Hòa Bình, sau nhiều lùm xùm "ghế nóng" báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 còn chưa được công bố khiến cổ phiếu bị hạn chế giao dịch.

Còn theo báo cáo tự lập, HBC ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt 14.148 tỷ đồng, thực hiện được 80,7% kế hoạch và lỗ ròng lên tới 2.572 tỷ đồng (lỗ gấp đôi so báo cáo quý 4/2022 được công bố trước đó).

Tình hình kinh doanh những năm qua của HBC (Nguồn VietstockFinance)

Về báo cáo kiểm toán, Phó Chủ tịch HBC Lê Viết Hiếu cho biết tại ĐHĐCĐ, hiện đơn vị kiểm toán đang cấp tốc hoàn thành, dự kiến 30/6 sẽ có BCTC kiểm toán.

Còn về lý do tại sao BCTC kiểm toán trễ, ông Hiếu phân trần, có những ý kiến từ một số Thành viên HĐQT nên HBC phải bổ sung. Đồng thời phải trích lập dự phòng khi 2022 là năm khó khăn của thị trường bất động sản, nên kiểm toán rất thận trọng trong việc đánh giá lại năng lực của các chủ đầu tư. Đặc biệt là với các chủ đầu tư HBC đã kiện và đã có đơn thi hành án, thì kiểm toán cũng phải đánh giá kỹ lai năng lực của chủ đầu tư này. 

Ví dụ, một bên nợ gốc HBC chỉ hơn 600 tỷ, nhưng theo đơn thi hành án thì dư nợ lên đến 1.000 tỷ và HBC đã thu hồi được hơn 500 tỷ. Hay với FLC, thì nợ gốc là 150 tỷ nhưng sau khi thi hành án thi án công nhận là hơn 300 tỷ… 

Do đó, có những quan điểm khác nhau giữa đơn vị kiểm toán và HBC, nên HBC đã đang cung cấp thêm nhiều thông tin về các chủ đầu tư, để cho thấy HBC có thể không phải trích lập thêm.

Ngoài ra, một số dự án bất động sản đã dừng triển khai, nên cần thời gian để kiểm toán xem lại các hoạt động HBC đã làm.

Trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ, HBC sẽ phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 12.000 đồng/cp. Vốn thu được từ đợt phát hành này dự kiến khoảng 3.288 tỷ đồng, HBC sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với các đối tác, thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án. 

Tính đến ngày 23/6/2023, đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện có 4 đối tác quan tâm đến đợt phát hành của HBC và đã tiến hành ký MoU. Trong đó, có một đối tác đến từ Astralia sẵn sàng chi 60-100 triệu USD để mua cổ phiếu HBC. 

Bên cạnh huy động vốn để giải quyết vấn đề với nhà cung cấp, nhà thầu phụ, HBC sẽ tập trung công tác thu hồi công nợ, tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng và có kế hoạch thoái vốn ở những công ty hoạt động không hiệu quả. 

Vào giữa tháng 6, HBC quyết chuyển nhượng 100% vốn tại công ty con là Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec cho Ashita Group. Dự kiến tổng giá trị chuyển nhượng và một phần thiết bị đã khấu hao hơn 1.100 tỷ đồng và sẽ được bổ sung vào vốn lưu động cho HBC.

Do đó, năm 2023 Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu là 12.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu ghi nhận từ backlog là 7.500 tỷ đồng, doanh thu hợp đồng mới 2.000 tỷ đồng, doanh thu từ xuất khẩu vật liệu xây dựng 1.300 tỷ đồng,... Lợi nhuận sau thuế là 125 tỷ đồng, khả quan hơn kết quả thua lỗ của năm qua.

Với Coteccons, doanh thu năm 2022 có khả quan hơn năm 2021 khi đạt 14.537 tỷ đồng, song doanh nghiệp xây dựng này cũng không thoát khỏi khó khăn khi lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 53 tỷ đồng. Nhờ khoản lợi nhuận khác cứu cánh mới có lãi gần 21 tỷ đồng trong năm 2022.

Đây là mức lãi thấp nhất từ trước đến nay của CTD, đặc biệt là từ sau khi đổi chủ, kết quả kinh doanh ngày càng suy giảm, công ty bắt đầu chìm trong vay nợ.

Bởi thế, tại ĐHĐCĐ thường niên, cổ đông chất vấn vì sao CTD mang tiền đi đầu tư chứng khoán trong khi đang đối đầu các khoản nợ, Chủ tịch Bolat Duisenov lý giải, do năm 2022 có khoản tiền mặt dồi dào, do đó dùng để đầu tư nhiều thứ, không để tiền nằm yên một chỗ.

Tình hình kinh doanh những năm qua của CTD (Nguồn VietstockFinance)

Khi được hỏi về lộ trình đạt vốn hóa 1 tỷ USD, ông Bolat cho rằng CTD chưa có kế hoạch tài chính cụ thể, chi tiết khách hàng, chi tiết dự án, biên lợi nhuận cho 3 – 5 năm tới... vì môi trường kinh doanh hiện tại quá bất định.

Còn trước mắt, năm 2023 (niên độ từ 1/7 tới 30/6), CTD đề ra kế hoạch doanh thu 7.644 tỷ đồng, tăng 144% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2022), lợi nhuận sau thuế đạt 44 tỷ đồng, tăng 880% so với cùng kỳ.
 
CTD cũng đưa ra bảng kế hoạch các chỉ tiêu kế hoạch đủ 12 tháng của năm 2023. Theo đó, doanh thu đạt 16.249 tỷ đồng, tăng 12% so với 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng, tăng 1.109% so với 2022. 
 
CTD cho biết giá trị back-log để lại cho 2023 là 17.000 tỷ đồng, chưa bao gồm Nhà máy sản xuất Lego và kỳ vọng trúng thầu các dự án đầu tư công như siêu dự án Sân bay Long Thành.  

Tác giả: Minh An

Theo: Vietnamdaily
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến