Dòng sự kiện:
Thay khớp háng bán phần cho bệnh nhân lớn tuổi tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình
16/12/2021 08:40:56
Gãy cổ xương đùi thường gặp ở người lớn tuổi. Nếu không phẫu thuật, bệnh nhân có thể trở thành gánh nặng cho gia đình do bệnh nhân chỉ nằm một chỗ. Bệnh để lâu ngày sẽ dễ bị viêm phổi, viêm đường tiết niệu....

Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng hàng năm ước tính có hàng chục ngàn bệnh nhân gãy cổ xương đùi. Gãy cổ xương đùi chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại gãy xương ở người cao tuổi. Với bệnh nhân cao tuổi bị gãy cổ xương đùi, phương pháp điều trị hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật thay khớp háng bán phần.

Bệnh nhân có chỉ định thay khớp háng bán phần khi nào?

Phẫu thuật thay khớp được khuyến nghị chỉ định trong những trường hợp: Gãy cổ xương đùi bên dưới ổ cối bị di lệch và có nguy cơ cao bị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi (gãy Garden III và IV); Tổn thương cổ, chỏm xương đùi ở người lớn tuổi, cần rút ngắn thời gian phẫu thuật; Hoại tử chỏm xương đùi; Người có bệnh xương khớp: thoái hóa khớp háng, sụn khớp bị bào mòn; Người bị viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp có thể ăn mòn sụn và đôi khi là xương dưới sụn, dẫn đến tình trạng các khớp bị hư hỏng và biến dạng.

Hiện nay gãy phức tạp khối mấu chuyển ở người lớn tuổi cũng được chỉ định thay khớp háng bán phần trong một số trường hợp, người bệnh có thể vận động sớm ngay sau mổ. Ngoài ra các bệnh lý u xương vùng chỏm hoặc cổ xương đùi phức tạp cũng có thể được điều trị bằng phương pháp cắt u và thay khớp háng bán phần.

Hiệu quả của phẫu thuật thay khớp háng bán phần tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An

Thời gian qua, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An đã phẫu thuật thay khớp háng bán phần cho nhiều bệnh nhân lớn tuổi và đạt kết quả rất tốt.

Cụ N.T.E., 97 tuổi, địa chỉ tại huyện Nghi Lộc – Nghệ An bị tai nạn sinh hoạt, ngã đập vùng mông đùi phải xuống nền nhà. Sau ngã, vùng mông đùi phải của cụ đau nhiều và chân phải mất vận động. Cụ còn bị bệnh lý tăng huyết áp và thể trạng già yếu. Cụ được người thân đưa vào bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An thăm khám và được chẩn đoán gãy cổ xương đùi phải. Cụ E. có chỉ định phẫu thuật thay khớp háng bán phần không xi măng.

Ca mổ được thực hiện thành công bởi kíp mổ của Ths.BS CKII. Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc bệnh viện cùng các cộng sự. Ngày thứ 2 sau mổ, cụ đã ngồi dậy được, không đau. Ngày thứ 5 sau phẫu thuật, cụ có thể tập đứng và chịu lực một phần vào chân phẫu thuật; và đến ngày thứ 15, cụ đã có thể đi lại được.


Các bác sĩ đang phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân cao tuổi

Một trường hợp khác là cụ L.T.H., 102 tuổi, tại Nghi Xuân – Hà Tĩnh, bị gãy kín cổ xương đùi trái do ngã ngày thứ nhất. Vào viện, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp cần được phẫu thuật sớm giúp bệnh nhân đỡ đau, có thể cho bệnh nhân sớm ngồi dậy, tập luyện để tránh các biến chứng. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật thay khớp háng trái nhân tạo bán phần có xi măng. Nhờ công tác hồi sức hậu phẫu được thực hiện tốt, bệnh nhân đã nhanh chóng hồi phục. Ngay ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân đã giảm hẳn các cơn đau, có thể ngồi dậy được, ăn uống tốt và tinh thần ổn định.

BS. Nguyễn Mạnh Linh – Khoa Chi dưới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An cho biết: “ Phẫu thuật thay khớp háng là một kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm và tay nghề cao, đưa ra những chỉ định chính xác trước và sau khi phẫu thuật để tránh các rủi ro có thể xảy ra. Hơn nữa, trang thiết bị hiện đại, phòng mổ đảm bảo vô trùng tuyệt đối cũng là những yếu tố quan trọng đem lại hiệu quả tối đa cho ca phẫu thuật. Với những bệnh nhân tuổi cao, sức khỏe yếu, có bệnh lý nền kết hợp, cuộc mổ sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Vì thế, bệnh nhân cần lựa chọn các cơ sở chuyên khoa uy tín để ca phẫu thuật an toàn và đạt hiệu quả cao”.

Phẫu thuật thay khớp háng là một trong những kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An. Mỗi năm khoa Chi dưới – Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An tiến hành gần 500 ca phẫu thuật thay khớp háng, trong đó có cả những bệnh nhân đã hơn 100 tuổi.

Lợi ích của việc thay khớp háng bán phần?

Phẫu thuật thay khớp háng là một thành tựu quan trọng của y học hiện đại, với những lợi ích cụ thể như:

• Là giải pháp tối ưu chỉnh hoàn hảo những biến dạng khớp, giúp bệnh nhân cải thiện cơn đau hiệu quả, tránh được nguy cơ tàn tật vĩnh viễn.

• Khôi phục khả năng vận động thoải mái, thay vì phải chịu sự bó buộc hay các cơn đau kinh niên như trước khi phẫu thuật.

• Cải thiện sự linh động của các khớp, giúp bệnh nhân sớm trở lại với sinh hoạt bình thường và các hoạt động thể dục thể thao.

• Hầu hết bệnh nhân đều có chất lượng cuộc sống tốt hơn sau điều trị do giấc ngủ được cải thiện, giảm căng thẳng, mệt mỏi

• Phẫu thuật thay khớp háng cũng giúp giảm nguy cơ gặp các vấn đề có liên quan đến sức khỏe mạn tính như suy tim, tiểu đường và trầm cảm…

Cần lưu ý gì sau khi thay khớp háng bán phần?

Bệnh nhân nên vận động càng sớm càng tốt sau phẫu thuật. Với sự hỗ trợ của người nhà và nhân viên y tế, bệnh nhân sẽ được ngồi dậy và học cách đi bộ với khung tập đi hoặc nạng. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết cho bệnh nhân để có thể di chuyển cơ thể mà không gây trật khớp háng.


Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Những tháng đầu sau phẫu thuật khớp háng là khoảng thời gian quan trọng. Người bệnh cần được chăm sóc toàn diện, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, uống thuốc và tập luyện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân cần tuân thủ các bài tập vật lý trị liệu, cách sử dụng thiết bị hỗ trợ như khung tập đi, gậy hoặc nạng… do các kỹ thuật viên hướng dẫn.

Khi đủ khoẻ, bệnh nhân nên cố gắng đi bộ vài lần mỗi ngày, nếu cảm thấy đau nhức thì hãy chườm lạnh ở hông. Quá trình phục hồi hoàn toàn sau khi thay khớp háng có thể mất ít nhất 6 tháng. Việc tiếp tục đi bộ và tập các bài tập vật lý trị liệu phù hợp sẽ giúp tăng tốc độ hồi phục.

Cho đến khi khớp háng sau thay ổn định, bệnh nhân cần phải tuân theo các nguyên tắc phòng ngừa sau: Tránh vặn, xoay người ở hông; hãy giữ cho vai, hông, đầu gối và bàn chân hướng về phía trước; Không để chân được phẫu thuật vượt qua phần bên kia của cơ thể,…

Bệnh nhân cần lưu ý rằng việc vận động với cường độ cao và béo phì là các yếu tố xấu thúc đẩy nhanh quá trình thoái hoá khớp. Do đó, việc kiểm soát cân nặng, hạn chế các hoạt động mạnh và các môn thể thao va chạm nhiều sẽ giúp khớp háng nhân tạo tồn tại lâu hơn và hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài ra, những bệnh nhân đã thay khớp háng cũng cần thường xuyên tái khám kiểm tra định kỳ để phát hiện các biến chứng, tổn thương thứ phát có thể xảy ra để xử trí kịp thời.

Gãy cổ xương đùi ở người già, thậm chí người trên 100 tuổi, nếu được điều trị kịp thời, đúng phương pháp, bệnh nhân vẫn có thể được phục hồi sức khỏe và vận động như trước khi bị gãy xương. Vì vậy, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa sớm nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Đậu Huyền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến