Dòng sự kiện:
Thầy trò vùng cao gặp khó khi nhiều chế độ chính sách bị cắt giảm
09/10/2022 11:50:34
Nhiều xã miền núi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861 của Chính phủ. Cũng từ đó, nhiều giáo viên gặp khó khi lương và phụ cấp bị cắt giảm.

Giáo viên lo "không đủ sống"

Theo Quyết định 861, nhiều xã của 2 huyện Quan Hóa và Quan Sơn (Thanh Hóa) không còn nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Do đó, giáo viên ở những địa phương này cũng không được hưởng phụ cấp thu hút vùng và giảm hệ số phần trăm đứng lớp. Nhiều giáo viên đứng trước nỗi lo “cơm áo gạo tiền” khi thu nhập không còn đảm bảo.

Cô Ngân Thị Thướng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Thanh, huyện Quan Sơn cho biết, xã Tam Thanh vừa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn nên giáo viên cũng bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp. Theo cô, trước kia, trường có người hưởng lương và phụ cấp ở mức 8 - 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện lương và phụ cấp hàng tháng bị giảm xuống chỉ còn khoảng 6 triệu/tháng.

“Từ khi bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp này, nhiều giáo viên lâm vào cảnhh chật vật. Bởi lẽ, nhiều người đang “cắm” sổ lương, vay tiền ngân hàng để mua sắm xe máy, sửa sang nhà cửa. Bây giờ, mỗi tháng lương và phụ cấp còn khoảng 6 triệu đồng, sau khi trừ tiền nợ ngân hàng, các khoản đóng góp khác, nhiều cô nhận về số lương ít ỏi lắm”, cô Thướng nói.


Giáo viên vùng cao đứng trước nỗi lo cơm áo khi bị cắt giảm chế độ chính sách

Từ khi thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, thầy Trương Đức Văn,  Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lệ, huyện Quan Hóa chia sẻ: Chính bản thân thầy cũng bị cắt giảm phụ cấp, trước khi cả lương và phụ cấp hàng tháng gần 14 triệu, tới nay chỉ còn khoảng 10 triệu đồng. Thế nhưng, người khó khăn hơn cả là các giáo viên mới vào nghề.

“Trường có 3 cô giáo mới vào ngành. Trước kia, lương và phụ cấp của mỗi cô còn được 7,6 triệu đồng/tháng, nhưng bây giờ các cô chỉ còn 4,3 triệu đồng/tháng thôi. Nhiều giáo viên có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nay bị cắt giảm lại càng khó khăn hơn”, thầy Văn nói.

Tương tự, tại huyện Bá Thước, cuộc sống của giáo viên xã Lũng Cao vốn dĩ đã khó khăn nay càng trở nên khó hơn từ khi Quyết định 861 có hiệu lực. Cắm bản ở Son, Bá, Mười, nơi vùng cao có địa hình khó khăn nhất của huyện Bá Thước, thầy Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây, trung bình lương của các thầy giáo trẻ khoảng 8 triệu đồng/tháng, thì nay, chỉ còn khoảng 4 triệu đồng/tháng.

“Đường sá xa xôi lại hiểm trở, việc đi lại của các thầy rất vất vả. Việc bị cắt giảm lương đã ảnh hưởng đến đời sống của các giáo viên rất nhiều bởi không đủ chi phí đi lại, nuôi sống gia đình. Thậm chí có thầy trước đó đang vay vốn ngân hàng thì giờ đây không đủ trả nợ”, thầy Tài nói.

Sau 12 năm làm giáo viên hợp đồng, thầy Hà Văn Thảo (34 tuổi) mới được biên chế chính thức năm 2020. Là một người có bằng cấp Đại học nhưng chỉ được hưởng lương trung cấp, sau khi bị cắt giảm, thầy Thảo giờ đây chỉ được hưởng lương còn 4,5 triệu đồng.

Nhà cách trường 20km, nhưng đường đến Cao Sơn vô cùng hiểm trở, dù có đường nhựa nhưng vẫn phải leo dốc núi đá, mỗi khi trời mưa thì rất nguy hiểm.

"Vì nhà ở xa, không đủ tiền xăng xe nên tôi đành ở lại trường, tiết kiệm thêm tiền để nuôi con. Lương thấp cũng khiến tôi lo lắng nhiều về tương lai cho gia đình nhưng tôi vẫn yêu nghề, vẫn mong muốn với các học trò ở Cao Sơn”, thầy Thảo bộc bạch.

Học sinh nghèo không còn bữa trưa miễn phí

Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở (PTDTBT – THCS) Tam Thanh có 263 học sinh (HS). Năm học trước, nhà trường có 193 HS thuộc diện ăn, ở bán trú trong ký túc xá. Tuy nhiên, từ khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, nhà trường chỉ còn 65 HS thuộc diện bán trú được Nhà nước hỗ trợ ăn, ở hàng tháng để học tập.

Một bữa ăn bán trú của học sinh Quan Sơn

Thầy Nguyễn Văn Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ 193 HS ăn, ở bán trú, nay chỉ còn 65 em, khiến nhà trường và HS “hụt hẫng”. Số HS thuộc diện ăn, ở bán trú còn lại có hộ khẩu ở bản Pa và bản Mò (là 2 bản đang thuộc diện đặc biệt khó khăn). So với năm học trước, nhà trường có 132 HS không được hưởng bán trú do bị điều chỉnh theo Quyết định 861.

“Vào đầu năm học, nhà trường tổ chức họp phụ huynh, thông báo về việc HS sẽ không được ăn, ở bán trú nữa. Chúng tôi cũng động viên phụ huynh nên cố gắng phối hợp với nhà trường cho HS ăn, ở bán trú. Nếu phụ huynh đồng ý, thì mỗi tháng một HS phải nộp 596.000 đồng, 15kg gạo (tương ứng mức trợ cấp của Nhà nước) và 1 bó củi để làm chất đốt. Tuy nhiên, phụ huynh không đồng ý, vì điều kiện đời sống kinh tế của bà con đang rất khó khăn”, thầy Dương chia sẻ.

Thầy Dương cho biết thêm, Trường PTDTBT - THCS Tam Thanh sẽ không thuộc diện mô hình trường bán trú trong vòng 2 năm tới. Bởi, theo quy định, thì trường bán trú phải có 50% HS thuộc diện hưởng chế độ bán trú và ở xã đặc biệt khó khăn. Nếu đủ 2 tiêu chí đó, thì giáo viên nhà trường cũng mới được hưởng phụ cấp là 0,3% lương cơ bản, để phục vụ HS bán trú.

“Quyết định 861 đã gây khó khăn cho con em đồng bào ở địa phương như đã nêu trên. Do đó, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần có chính sách riêng để hỗ trợ cho những học sinh bị cắt chế độ hưởng bán trú, để giúp các em có điều kiện đến trường thuận lợi hơn”, thầy Dương nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thực tế, Quyết định 861/QĐ-TTg ra đời đã và đang ảnh hưởng đến chế độ ăn bán trú của học sinh. Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với Sở GD&ĐT cũng đã rà soát lại để báo cáo với tỉnh, xem trong số những học sinh không còn được hưởng chế độ, em nào gặp nhiều khó khăn để thực hiện hỗ trợ chế độ bán trú, hỗ trợ thôi chứ không thể như Nghị định 116 trước đây, tránh việc học sinh bỏ học vì không đủ điều kiện đóng tiền bán trú.

Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp với các ban, ngành trình UBND tỉnh đề án "Hỗ trợ các xã ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN (giai đoạn 2016-2020), không thuộc diện ĐBKK, giai đoạn (2021-2025), phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững. Trong thời gian chờ đợi, các phòng giáo dục, các nhà trường cố gắng vượt khó, động viên học sinh đi học đầy đủ".

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến