Dòng sự kiện:
The Coffee House 'hụt hơi', cục diện chuỗi cà phê ra sao?
15/08/2024 11:15:59
Sau thời gian mở rộng ồ ạt, nhiều chuỗi cà phê có dấu hiệu chững lại khi dần hạn chế việc mở cửa hàng mới. Trong khi đó, nhiều cái tên vẫn đang chứng tỏ vị thế của người dẫn đầu.

Nhiều chuỗi cà phê phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh thận trọng hơn. Ảnh: The Coffee House.

Theo báo cáo của Vietdata, thị trường F&B Việt Nam nói chung và thị trường quán cà phê nói riêng đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2023. Đến cuối năm 2023, thị trường ăn uống tại chỗ ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu thị trường quán cà phê ước đạt 1,46 tỷ USD, tăng 13%.

Chính vì sức hấp dẫn đó, thị trường quán cà phê luôn thu hút nhiều doanh nghiệp và chứng kiến ​​sự mở rộng mô hình chuỗi của nhiều thương hiệu hiện hữu và cả những thương hiệu mới.

Cục diện của nhóm "ông lớn" như Highlands Coffee, The Coffee House, Phúc Long, Trung Nguyên, Starbucks chia thành 2 thái cực.

Trong khi 1 nhóm có dấu hiệu chững lại thì không ít cái tên vẫn đang trong đà vươn lên mạnh mẽ.

Đến cuối năm 2023, theo ước tính của Vietdata, thị phần của 5 ông lớn trong ngành đã tăng lên 42%. Trong đó, mức tăng chủ yếu thuộc về Highland Coffee (từ 7,4% lên 11,6%) và Phúc Long Coffee & Tea House (từ 2% lên 4,4%), Starbucks (từ 2,4% lên 3,8%). Và trong năm qua, toàn thị trường có khoảng 143 cửa hàng mới (thuộc chuỗi) được mở.

Chuỗi lớn cũng phải thận trọng

Thông tin The Coffee House phải đóng cửa toàn bộ chi nhánh ở Đà Nẵng và Cần Thơ phần nào cho thấy sự "hụt hơi" của ông lớn này trong thị trường chuỗi cà phê.

Tính đến 31/7, The Coffee House có 117 cửa hàng trên toàn quốc, giảm đáng kể so với con số khoảng 150 cửa hàng vào cuối năm 2023.

"Trong bối cảnh hiện tại, việc tối ưu chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động trở thành công việc ưu tiên và thường xuyên. Quyết định này nhằm thích ứng với điều kiện thay đổi, giúp đảm bảo hiệu quả kinh doanh toàn hệ thống", đại diện The Coffee House nói với Tri Thức - Znews.

Dữ liệu của Vietdata chỉ ra doanh thu của The Coffee House ghi nhận xu hướng biến động liên tục trong giai đoạn 2021-2023.

Cụ thể, doanh thu của thương hiệu này tăng mạnh 67% vào năm 2022, nhưng lại giảm 11% xuống 700 tỷ đồng vào năm 2023. Còn về hiệu quả, thương hiệu này vẫn tiếp tục ghi nhận lỗ lũy kế.

Tương tự The Coffee House, Phúc Long cũng đang có những bước đi chậm rãi và thận trọng hơn.

Kể từ khi về tay Masan năm 2021 đến nay, chuỗi này đã có 163 cửa hàng trên toàn quốc. So với thời điểm cuối năm 2023, trong 6 tháng đầu năm, Phúc Long chỉ mở mới 7 cửa hàng.

Doanh thu của thương hiệu này được ghi nhận tăng 3,5 lần nhưng chững lại ở mức 1.500 tỷ đồng vào năm 2023, thị phần giảm so với năm 2022 đạt 4,5%.

Mặc dù doanh thu của Phúc Long tăng nhanh sau thương vụ mua lại từ Masan, nhưng lợi nhuận liên tục giảm trong 2 năm, xuống dưới 30 tỷ đồng vào năm 2023.

Trước sự thất bại của các chuỗi cà phê ngoại tại thị trường Việt Nam, Starbucks đã áp dụng chiến lược mở rộng thị trường một cách thận trọng. Trong 2 năm qua, Starbucks Việt Nam đã triển khai chiến lược mở rộng điểm bán, từ 78 cửa hàng vào tháng 6/2022 lên 110 cửa hàng hiện tại.

Nhờ đó, doanh thu cũng tăng nhanh chóng, lần lượt tăng 87% vào năm 2022 và 28% vào năm 2023, đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, giống các thương hiệu khác, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Starbucks Việt Nam cũng sụt giảm do chịu tác động từ biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, biên lợi nhuận của các điểm bán mới vẫn ở mức thấp.

Highlands Coffee, Trung Nguyên vẫn dẫn đầu

Năm 2023, Trung Nguyên Legend vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu và giữ vững vị thế trên thị trường kinh doanh quán cà phê. Thương hiệu này tiếp tục là đơn vị dẫn đầu tại Việt Nam, chiếm khoảng 20% ​​thị phần về doanh thu (bao gồm cả doanh thu từ cà phê gói và cà phê bột).

Trong giai đoạn 2023-2024, Trung Nguyên Legend vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối chiến lược hiện có tại thị trường tỷ USD Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng cửa hàng của thương hiệu này không những không tăng mà còn có xu hướng thu hẹp và cắt giảm các cửa hàng/quán không hiệu quả, chỉ còn khoảng 600 cửa hàng, trong đó có 480 cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee và 116 cửa hàng Trung Nguyên Legend Café.

 

 Highlands Coffee vẫn chứng tỏ vị thế dẫn đầu trong thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam. Ảnh: Khương Nguyễn.

Tuy nhiên, việc đầu tư chi phí mở rộng thị trường tại Trung Quốc đã khiến lợi nhuận liên tục giảm trong 2 năm trở lại đây.

Trong khi đó, Highlands Coffee đã có sự trở lại mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Doanh thu của thương hiệu này đạt mức kỷ lục gần 4.000 tỷ đồng, nắm giữ 12% thị phần của "miếng bánh" thị trường Việt Nam.

Highlands Coffee cũng tiếp tục củng cố vị thế là chuỗi cà phê nhượng quyền lớn nhất Việt Nam, với 777 cửa hàng đang hoạt động tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều cửa hàng Highlands Coffee xuất hiện tại các vị trí đắc địa như gần Bưu điện TP.HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến tàu Bạch Đằng.

 Tác giả: Diệu Thanh

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến