Báo cáo phân tích về Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của SSI Research công bố mới đây đã tường thuật lại thông tin trong cuộc họp chuyên viên phân tích và cuộc họp riêng với ban lãnh đạo công ty.
Trong đó, lãnh đạo chuỗi bán lẻ điện thoại, điện máy và bách hóa này cho biết việc dịch Covid-19 bùng phát từ ngày 27/1 tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội… đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của toàn công ty.
Nắm 55% thị phần điện thoại và 60% điện máy vào năm 2022
Trong tháng 1, doanh thu và lợi nhuận sau thuế toàn chuỗi đạt lần lượt 11.000 tỷ và 494 tỷ đồng, giảm 11-12% so với cùng kỳ và hoàn thành 9% và 10% kế hoạch năm 2021.
Đến tháng 2, doanh thu công ty đã tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ, đạt 10.500 tỷ đồng nhờ mùa mua sắm cao điểm trước Tết Nguyên đán. Lũy kế 2 tháng, cả 3 chuỗi điện thoại, điện máy và bách hóa của Thế giới Di động mang về 21.500 tỷ doanh thu, tăng 5% so với cùng kỳ, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 18% của 2 tháng đầu năm 2020.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ làn sóng Covid-19 lần thứ ba khiến công ty phải đóng 100 cửa hàng tại Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội.
Dù vậy, công ty vẫn đang đi đúng kế hoạch năm 2021 với tăng trưởng lợi nhuận ròng 21% so với cùng kỳ nhờ các cửa hàng ICT (điện máy và điện thoại) tăng thị phần. Bên cạnh đó, biên lãi gộp mảng ICT và bách hóa cũng đã cải thiện và giảm tốc độ mở mới cửa hàng.
Đáng chú ý, ban lãnh đạo Thế giới Di động cho rằng thị phần điện thoại di động và điện máy của công ty có thể tăng lên 50-55% và 55-60% vào cuối năm 2022, nhờ triển khai chuỗi Điện máy Xanh Supermini và phân phối cho các cửa hàng nhỏ lẻ.
Riêng với thị trường điện thoại di động, công ty hiện nắm xấp xỉ 50% thị phần, 30% thị phần khác nằm trong tay các chuỗi thương mại hiện đại tương tự Thế giới Di động và 20% còn lại là của các cửa hàng nhỏ lẻ.
Để gia tăng thị phần, công ty đã cho mở các cửa hàng Điện máy Xanh Supermini gần các cửa hàng nhỏ lẻ hoạt động kém phải đóng cửa trong đại dịch.
Với những cửa hàng nhỏ lẻ vẫn tồn tại sau dịch, công ty đang xem xét trở thành nhà phân phối và cung cấp một số dịch vụ hậu mãi cho khách hàng mà cửa hàng nhỏ lẻ không làm được.
Giảm mở mới cửa hàng bách hóa
Để cải thiện hiệu quả kinh doanh, Thế giới Di động đang có kế hoạch cải thiện biên lãi gộp thông qua việc tăng bán các sản phẩm thương hiệu riêng, độc quyền.
Nhóm sản phẩm này có biên lãi gộp cao hơn, hiện chiếm khoảng 15% tổng doanh thu mảng ICT của công ty. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đặt mục tiêu nâng con số này lên 30% vào cuối năm nay, qua đó tăng biên lãi gộp cả mảng.
Ngoài ra, Thế giới Di động cũng cho biết sẽ tập trung vào mô hình Điện máy Xanh Supermini trong năm nay với mục tiêu mở 600 cửa hàng, nhắm tới người tiêu dùng khu vực nông thôn, qua đó cũng làm tăng lãi gộp mảng ICT.
Với mảng bách hóa, công ty đặt mục tiêu có 2.000 cửa hàng bách hóa vào cuối năm nay, tương đương chỉ mở mới 281 cửa hàng, thấp hơn nhiều so với mức 600-700 cửa hàng mới theo cuộc họp vào tháng 11/2020.
Thay vào đó, công ty sẽ nâng cấp các cửa hàng hiện có lên các cửa hàng có quy mô lớn hơn với kỳ vọng đạt 500 cửa hàng lớn vào cuối năm 2021.
Cùng với việc mở rộng về số lượng, tỷ suất lãi gộp mảng bách hóa dự kiến tăng ít nhất 2% thông qua đàm phán lại với các nhà cung cấp, cải thiện quy trình thu mua thực phẩm tươi sống và thúc đẩy đa dạng sản phẩm thương hiệu riêng.
Bên cạnh đó, Thế giới Di động cũng đang thử nghiệm mô hình siêu thị đa tầng cho các khu vực đông dân cư hơn với cửa hàng đầu tiên đặt tại quận 1, TP.HCM và đã cho kết quả khả quan vào cuối quý IV/2020.
Từ tình hình thực tế và các kỳ vọng tăng trưởng kể trên, SSI Research ước tính doanh thu cả năm 2021 toàn chuỗi Thế giới Di động sẽ đạt 126.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước, nhưng thấp hơn 10% so với ước tính trước đó.
Lợi nhuận ròng công ty ghi nhận được kỳ vọng đạt 5.100 tỷ đồng, cũng tăng 30% so với năm 2020 nhưng giảm 3% so với dự tính ban đầu. Nguyên nhân đến một phần vì doanh thu gián đoạn trong tháng nâng cấp cũng như khả năng doanh thu thấp khi công ty bắt đầu nâng cấp cửa hàng ở các tỉnh.
Cùng với kỳ vọng lợi nhuận năm 2021, thanh khoản thị trường dồi dào và khả năng giành thị phần của Thế giới Di động trong thời kỳ khó khăn, SSI Research nâng giá mục tiêu của cổ phiếu MWG lên 165.000 đồng/đơn vị, từ mức 147.000 đồng trước đó. Định giá này tương đương kỳ vọng tăng 26% so với giá hiện tại.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy