Dòng sự kiện:
Thế Giới Di Động, FPT Retail nợ Apple bao nhiêu tiền?
17/05/2023 13:10:11
Thời điểm cuối năm 2022, Apple Việt Nam đều cho 2 ông lớn bán lẻ nợ ngắn hạn trên 1.200 tỷ đồng.

Mới đây, gã khổng lồ công nghệ Apple chính thức công bố sắp ra mắt cửa hàng Apple Store cho thị trường Việt Nam. Tuy chỉ là cửa hàng trực tuyến, nhưng điều này tiếp tục cho thấy sự quan tâm lớn của Apple vào thị trường Việt Nam. Theo đó, hãng cho biết sẽ cung cấp đầy đủ các dòng sản phẩm và hỗ trợ tiếng Việt trực tiếp cho khách hàng trên toàn quốc.

Từ trước đến nay sản phẩm Apple được phân phối chính hãng thông qua doanh nghiệp bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Retail. Hai đơn vị này thậm chí còn mở chuỗi cửa hàng riêng chuyên phục vụ cho "fan nhà táo".

Mới đây, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) Nguyễn Đức Tài cho rằng việc tập đoàn công nghệ này mở cửa hàng trực tuyến là để làm thương hiệu. Ông Tài không tin một vài cửa hàng Apple có thể thay thế hơn 3.000 cửa hàng của Thế Giới Di Động cộng với các cửa hàng của đối thủ cạnh tranh, để phục vụ khách hàng.

Số liệu báo cáo tài chính cho thấy từ nhiều năm qua, Thế Giới Di Động, FPT Retail đã thu được hàng nghìn tỷ đồng bán sản phẩm thông qua các chuỗi bán lẻ. Bên cạnh đó thì 2 đơn vị này cũng tận dụng được dòng tiền hầu như không mất chi phí.

Cụ thể, các doanh nghiệp này được Công ty TNHH Apple Việt Nam cho nợ ngắn hạn thông qua khoản nợ phải trả người bán ngắn hạn. Đây là số tiền doanh nghiệp phải thanh toán cho người bán, với thời hạn không quá 12 tháng hay trong một chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Khi khoản mục này tăng cho thấy uy tín và vị thế của doanh nghiệp với đối tác khách hàng tốt. Nhà cung cấp sẵn sàng cho doanh nghiệp thanh toán chậm trong thời gian dài.

Tại thời điểm cuối năm 2022, Apple Việt Nam đều cho 2 ông lớn bán lẻ nợ ngắn hạn trên 1.200 tỷ đồng. Cụ thể, Thế Giới Di Động là 1.255,8 tỷ đồng, FPT Retail là 1.223,4 tỷ đồng.

Đối với công ty của ông Nguyễn Đức Tài, khoản mục này biến động khá mạnh. Ví dụ thời điểm 31/12/2027, đơn vị này ghi nhận phải trả ngắn hạn với công ty Apple Việt Nam là 1.057,3 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm 2020 giảm mạnh chỉ còn 173,2 tỷ đồng.

Nguyên nhân có thể là chiến lược kinh doanh sản phẩm Apple khác nhau theo từng giai đoạn và chính sách thanh toán công nợ nhằm đảm bảo các chỉ tiêu về tài chính của Thế Giới Di Động.

Đối với FPT Retail, từ cuối năm 2018 đến nay, khoản mục phải trả ngắn hạn với Apple Việt Nam liên tục tăng từ 264,3 tỷ đồng lên trên 1.200 tỷ đồng. Điều này cũng dễ hiểu khi đây là đơn vị mở chuỗi cửa hàng ủy quyền đầu tiên của Apple tại Việt Nam là F.Studio từ năm 2012.

Xét về cơ cấu, các khoản nợ ngắn hạn này chiếm tỷ trọng khá thấp trong phải trả người bán ngắn hạn của Thế Giới Di Động, với mức từ 2-14%. Điều này do công ty này còn làm việc với nhiều hãng cung cấp khác như Samsung, LG,…

Ngược lại, tỷ trọng phải trả ngắn hạn đối với Apple Việt Nam của FPT Retail chiếm khá lớn, thường duy trì trên 50%. Thậm chí cuối năm 2017 khoản mục này còn lên tới 69%.

Tác giả: Mộc An

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến