Dòng sự kiện:
Thẻ Visa giá 100.000 đồng bán đầy trên mạng để quảng cáo lậu
05/06/2017 07:21:21
Thẻ thanh toán Visa được bán công khai trên các trang, nhóm chuyên về quảng cáo Facebook. Mục đích sử dụng chính là để gian lận tiền quảng cáo, trốn trả tiền.

Dạo qua các trang mua bán online, người dùng có thể gặp nhiều topic bán thẻ Visa. Khách hàng phải chi trả 100.000 đồng cho một thẻ định danh khi mua trực tiếp từ ngân hàng. Nếu mua từ bên trung gian, giá dao động từ 150.000-300.000 đồng một thẻ định danh và 50.000 đồng cho thẻ vô danh. Số lượng của một lần giao dịch từ hàng trăm đến cả nghìn thẻ.

Thẻ Visa được bán công khai trên Facebook.

Ngoài sử dụng cho các mục đích thanh toán nặc danh, số phận những chiếc thẻ Visa này sẽ tập trung tại đại bản doanh của các "nhà chạy bùng" quảng cáo Facebook.

Nghề ''chạy bùng'' quảng cáo Facebook

M.H., chủ một trang bán giày tại Đồng Nai chia sẻ mỗi tháng anh phải chi trả từ 15-20 triệu đồng tiền quảng cáo. Những người như anh H. trong giới buôn bán online khá nhiều, có chủ phải trả cả trăm triệu mỗi tháng cho quảng cáo Facebook.

Chính vì chi trả lớn, nhiều người sẵn sàng "chạy bùng" để lách luật, cắt giảm chi phí trong quảng cáo.

Thuật ngữ “chạy bùng” quen thuộc trong giới bán hàng trực tuyến trên Facebook. Việc này được thực hiện dựa vào cách thức thanh toán của Facebook.

Khi một người đăng tin và muốn quảng cáo rộng rãi, Facebook sẽ thanh toán theo các ngưỡng 500.000 đồng đến 1, 4 và 10 triệu, ngưỡng cao nhất là 16 triệu đồng. Mức độ của ngưỡng phụ thuộc vào độ tín nhiệm của tài khoản Facebook đó. Phần lớn các tài khoản được quảng cáo trước, trả tiền cuối tháng qua thẻ thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, cũng có tài khoản bị buộc trả tiền trước cho những giao dịch đầu tiên.

Mỗi tài khoản Facebook sẽ sử dụng một thẻ Visa để thực hiện giao dịch trên. Nếu nợ tiền quảng cáo, Facebook sẽ khóa tài khoản quảng cáo, thậm chí ảnh hưởng đến tín nhiệm của trang.

Đa số các thẻ Visa được bán với số lượng lớn phục vụ cho việc gian lận tiền quảng cáo Facebook. 

Anh Hải Hà (Gò Vấp, TP.HCM), chủ cửa hàng trực tuyến chuyên bán lẻ đồng hồ cho biết cách thức thanh toán của Facebook khiến dân bán hàng lạm dụng để gian lận tiền quảng cáo.

Theo đó, các nhà “chạy bùng” quảng cáo đã sử dụng thẻ Visa số lượng lớn để nhập vào các tài khoản Facebook ảo, sau đó thực hiện thanh toán quảng cáo cho các trang. Để tránh bị phát hiện IP, các bên “chạy bùng” sử dụng SIM 3G tạo các IP khác nhau phục vụ cho việc tạo tài khoản.

Để tránh thất thoát, Facebook đã siết chặt các chính sách về thanh toán như buộc trả tiền trước, không áp dụng quảng cáo khi sử dụng các tài khoản mới, chưa xác thực.

Để “lách” được chính sách này, các bên “chạy bùng” thuê tài khoản Facebook của sinh viên với giá 50.000-70.000 đồng/tài khoản. Họ chỉ việc nhập thẻ và cấp quyền chạy quảng cáo cho trang. Rủi ro của việc này là các tài khoản trên sẽ bị khóa chức năng quảng cáo vĩnh viễn cho đến khi thanh toán hết số nợ. 

Một trong những tài khoản bị Facebook hạn chế tạo trang vì nợ tiền quảng cáo.

Nhằm khai thác các tài khoản Facebook triệt để hơn, một số bên "chạy bùng" thu mua lại tài khoản nợ tiền quảng cáo ở các ngưỡng thấp, sau đó thanh toán số nợ đó để có thể nợ tiền ở ngưỡng cao hơn.

Đối tượng chính của việc nhập thẻ cho mục đích “chạy bùng” là các trang chuyên bán các mặt hàng giá trị thấp, có tính xu hướng, thuật ngữ trong giới gọi là “bán rác”. Chủ nhân sẵn sàng bỏ trang khi tới ngưỡng thanh toán cao nhất là 16 triệu.

Nhóm thứ hai là các dịch vụ nhận chạy quảng cáo Facebook. Một số dịch vụ không uy tín sẽ dùng cách gian lận để hỗ trợ quảng cáo cho các trang bán hàng. Với 15,5 triệu đồng thanh toán cho các ngưỡng ban đầu, người dùng có thể có số lượt tiếp cận mà đáng ra họ phải trả 31,5 triệu đồng. Đổi lại là việc bị Facebook khóa trang vĩnh viễn.

Những người kiếm tiền từ Google Adsense bằng việc sử dụng lượt truy cập từ Facebook cũng dùng cách này để tăng khả năng kiếm tiền.

Quảng cáo Facebook cần đầu tư rất nhiều tiền. Chính vì lý do này mà nhiều người chọn cách gian lận bất chấp nhiều rủi ro. 

Hậu quả của việc"chạy bùng"

Anh N.N., chủ một trang bán phụ kiện thời trang tại Bình Thạnh, TP.HCM đã bị Facebook khóa chức năng quảng cáo trong 6 tháng vì mua phải trang có lịch sử nợ xấu. Không chỉ có vậy, IP máy tính của anh luôn gặp khó khăn khi sử dụng các dịch vụ từ Facebook.

"Các trang sau khi quảng cáo 'bùng', có được số lượt thích, tương tác nhất định sẽ được rao bán. Nếu không may, người dùng mua phải những trang có lịch sử thanh toán xấu sẽ không thể thực hiện quảng cáo trong tương lai", anh N. cho biết.

Bên cạnh đó, tính ổn định của một hệ thống "chạy bùng" là không hề có. Anh Hải Hà (Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm bản thân: "Bạn bỏ hàng trăm triệu để làm ăn, nhưng việc thức dậy với hai bàn tay trắng là điều bạn cần nghĩ đến khi quyết định chơi không đúng luật".

Việc sử dụng Visa cho thanh toán gian lận như vậy ảnh hưởng tín nhiệm của IP đến từ Việt Nam. Theo nhiều đơn vị quảng cáo, thanh toán từ Việt Nam luôn bị kiểm soát chặt, lý do từ việc quá nhiều người thanh toán lậu.

Không chỉ Facebook, nhiều dịch vụ quốc tế đang chặn hoặc sử dụng nhiều cách thức kiểm soát chặt thanh toán, rút tiền từ Việt Nam. Theo giới bảo mật, cùng với Nga, Trung Quốc, Việt Nam là nơi có lượng thanh toản ảo qua mạng nhiều nhất. Chính các "chiêu thức" làm giảm tín nhiệm thanh toán khiến những người mua, bán hàng tử tế luôn gặp khó khăn khi sử dụng các dịch vụ quốc tế.

Theo Zing.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến