Dòng sự kiện:
Thêm 6 nước châu Âu tham gia cơ chế thương mại với Iran
01/12/2019 09:45:01
Phần Lan, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển nhấn mạnh rất coi trọng việc duy trì và thực hiện đầy đủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc.

Cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sáu nước châu Âu gồm Phần Lan, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển ngày 29/11 thông báo đã gia nhập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) - cơ chế tài chính của Liên minh châu Âu (EU) được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi thương mại với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các nước châu Âu trên nhấn mạnh rất coi trọng việc duy trì và thực hiện đầy đủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Tuyên bố chung của sáu nước này cũng yêu cầu Iran “quay trở lại mà không trì hoãn việc tuân thủ hoàn toàn các điều khoản và quy định trong thỏa thuận hạt nhân."

Trước đó, Đức, Anh và Pháp đã kích hoạt cơ chế này từ hồi tháng Một dưới sức ép của Iran nhằm duy trì JCPOA. Tuy nhiên, INSTEX vẫn chưa thể hoạt động do Mỹ chống lại sức ép của Iran và cảnh báo châu Âu có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran.

Hồi tháng Chín, Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran Mojtaba Zonnour cho biết các nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (Đức, Anh và Pháp) có kế hoạch chi 15 tỷ USD để tài trợ cho INSTEX.

Khoản thanh toán này sẽ được thực hiện làm ba đợt, mỗi lần giải ngân 5 tỷ USD, đồng thời các vấn đề kinh tế liên quan tới hoạt động bán dầu mỏ của Iran cũng sẽ được giải quyết.

Ông Zonnour khẳng định, thông qua sự kháng cự chủ động của Tehran trước các sức ép của Mỹ, Iran sẽ đạt được những thành quả tích cực và tình hình quốc gia sẽ sớm được cải thiện.

INSTEX là một cơ chế thanh toán được Anh, Pháp và Đức thúc đẩy nhằm hỗ trợ trao đổi thương mại với Iran và giúp Tehran tránh các biện pháp trừng phạt của Washington.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran và các bên còn lại đã tiến hành các cuộc đàm phán để cứu vãn thỏa thuận. Tuy nhiên, việc EU chưa thể đảm bảo lợi ích kinh tế cho Iran đã khiến Tehran giảm bớt một số cam kết nhất định trong JCPOA.

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến