Thêm 7 dự án lớn thua lỗ: Bổ sung sơ bộ
23/12/2016 11:33:56
Ban Chỉ đạo của Chính phủ bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả, ngoài 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu.

Tin liên quan

Thông tin từ phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án lớn thuộc ngành Công Thương cho biết, ngoài 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua, Ban chỉ đạo cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án khác cũng đang có tình trạng tương tự.

Đó là các dự án, nhà máy: Đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.

Còn 5 dự án mà Quốc hội đã nêu là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án, doanh nghiệp này. - Ảnh: VGP/Thành Chung

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tinh thần xử lý các dự án, nhà máy này là phải rất quyết liệt, khẩn trương, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án này.

Các dự án, nhà máy còn năng lực sản xuất sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nguồn nhân lực, quản trị,… Dự án, nhà máy nào không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo các hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản,... theo quy định của pháp luật. “Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này nữa”, Trưởng Ban chỉ đạo nêu rõ quan điểm.

Việc Ban chỉ đạo đưa thêm 7 dự án thua lỗ vào danh sách cần xử lý đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công cho biết, người dân vui mừng vì Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhìn thẳng vào sự thật, không giấu diếm.

“Ngay khi dự án thua lỗ được dư luận quan tâm, báo chí nhắc đến Chính phủ bắt tay ngay vào giải quyết. Cách làm là xử lý những dự án thua lỗ gây thất thoát lớn trước, tiếp đó là các nhà máy, doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn”, PGS Thọ nhận định.

Cũng theo PGS.Phạm Quý Thọ, điểm chung giữa 7 nhà máy, dự án vừa được đưa vào “danh sách đen” đều đang hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ. Tuy nhiên, mức độ chưa nghiêm trọng như 5 dự án từng được chất vấn trên nghị trường Quốc hội vừa qua. Chính phủ muốn có biện pháp ngăn chặn để tránh gây hậu quả nghiêm trọng như 5 dự án trước đó.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tình hình 5 dự án, nhà máy lớn của ngành Công Thương đang thua lỗ, “đắp chiếu” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội. Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội về vấn đề này.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới thua lỗ của 5 dự án nghìn tỷ, do tính đặc thù của ngành, lĩnh vực và tính chất của từng dự án.

Tựu trung lại, các dự án trên đều triển khai kéo dài so với thời hạn đầu tư được phê duyệt; hiệu quả kinh tế không còn, không cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại, thậm chí nhiều dự án doanh thu không đủ bù chi phí. Riêng dự án Đạm Ninh Bình đến nay không tất toán được đầu tư, dù nhà máy đã đi vào vận hành.

“Các dự án này có những tồn đọng, thậm chí là vi phạm trong quản trị, năng lực của chủ đầu tư hạn chế”, Bộ trưởng Tuấn Anh nói và nhấn mạnh, các hành vi vi phạm pháp luật và cố tình làm sai trong quản trị, quản lý các dự án sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có những động thái cụ thể để xử lý các dự án này.

Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc thẩm định giá đối với dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Đối với Dự án Nhà máy giấy Phương Nam, đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cũng cho hay, dự án này đã bắt đầu tìm phương án giải quyết từ cách đây khoảng 2 năm và giờ đã có phương án cuối cùng, nên sẽ giải quyết nhanh hơn so với 11 dự án còn lại.

Theo kế hoạch, Nhà máy Bột giấy Phương Nam có quy mô vốn đầu tư ban đầu là 3.000 tỷ đồng sẽ được tiến hành bán đấu giá để tìm người mua cuối cùng. Giá trị bán Nhà máy thu được sẽ cộng dồn vào giá trị của Tổng công ty Giấy Việt Nam và thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp này luôn.

Theo VGP

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến