Sau 5 năm ra đời và 3 năm chính thức được đưa vào triển khai, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã cho thấy sự đúng đắn của con đường đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nhằm đáp ứng sự đổi thay của thời cuộc và sự phát triển của khoa học công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là những vấn đề mới phát sinh mà để giải quyết không chỉ cần vai trò của ngành giáo dục mà cần cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung tay.
Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH, cô giáo Hà Ánh Phượng để có cái nhìn rõ hơn về chặng đường 3 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Còn nhiều khó khăn khi thực hiện Chương trình 2018
Người Đưa Tin (NĐT): Xin chào ĐBQH, cô giáo Hà Ánh Phượng. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã trải qua 3 năm triển khai tại các cơ sở giáo dục. Là ĐBQH và cũng là giáo viên, xin bà chia sẻ đánh giá của mình về về Chương trình này sau thời gian thực hiện?
ĐBQH Hà Ánh Phượng: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều nội dung với phạm vi lớn, ảnh hưởng rộng rãi. Sau 3 năm thực hiện, Chương trình đã được Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội vừa qua đánh giá một cách khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng, trên nhiều mặt thông qua hoạt động giám sát tại nhiều địa phương. Tôi cơ bản nhất trí, đồng tình với những đánh giá đó, chỉ xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề cơ bản.
Trước hết, phải khẳng định Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là sự hiện thực hóa của tinh thần, quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đây là chương trình đầu tiên được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học với định hướng phát triển toàn diện cả phẩm chất, năng lực học sinh.
Chặng đường triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ngành giáo dục coi đây là nhiệm vụ rất trọng tâm, quyết liệt tập trung chỉ đạo, cùng với đó là sự quan tâm phối hợp của các bộ, ngành. Đặc biệt, địa phương đã vào cuộc rất trách nhiệm. Sau 3 năm thực hiện, ngành giáo dục đã ghi nhận những kết quả tích cực khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, xu thế tất yếu.
ĐBQH Hà Ánh Phượng hiện là Ủy viên Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng bộc lộc nhiều vấn đề, đặt ra những yêu cầu mới, bài toán khó đối với ngành giáo dục trong chặng đường sắp tới. Tôi cho rằng những vấn đề này chủ yếu xuất phát từ 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, dù có nhiều tinh thần đổi mới, song việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại được triển khai trên một nền tảng còn nhiều yếu tố cũ, đặc biệt là tư duy cũ.
Thứ hai, chúng ta triển khai chương trình mới bằng nguồn lực cũ. Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, người ta mới thấy rõ rằng ngành giáo dục thiếu quá nhiều thứ: thiếu con người, thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất, thiếu sách giáo khoa, đồ dùng dạy học. “Có thực mới vực được đạo”, chính những thiếu hụt về nguồn lực này đã khiến cho việc triển khai chương trình mới gặp nhiều khó khăn, thiếu sự đồng bộ, thậm chí có nhiều điểm không đạt được mục tiêu.
Đó là chưa kể, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đúng vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Việc tổ chức dạy học, tập huấn cho đội ngũ giáo viên phải tổ chức chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. Công tác thi, kiểm tra, đánh giá gặp nhiều khó khăn.
NĐT: Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Dưới vai trò là ĐBQH bà có thể chia sẻ về ý nghĩa của cuộc giám sát này?
ĐBQH Hà Ánh Phượng: Việc Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tiếp tục cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ quan lập pháp đối với lĩnh vực giáo dục. Đây cũng là lĩnh vực có tác động rộng rãi và được cả xã hội, đông đảo cử tri quan tâm, có nhiều ý kiến khác nhau. Việc Quốc hội tiến hành giám sát đã phán ánh “đúng” và “trúng” nguyện vọng, trăn trở của cử tri.
Kể từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đây là lần đầu tiên có một đoàn giám sát làm việc với quy mô rộng lớn, toàn diện toàn quốc như vậy. Sau 5 năm triển khai chương trình mới, việc có một cuộc đánh giá như vậy là rất cần thiết và thiết thực, nhằm kịp thời đánh giá cả những điều đã làm được, chưa làm được và nhất là đề xuất những vấn đề cấp bách trong giai đoạn tới.
Về kết quả làm việc, tôi cho rằng hoạt động giám sát của Đoàn đã được tiến hành chủ động, tích cực và đạt hiệu quả. Mặc dù khối lượng công việc lớn, yêu cầu cao, nguồn nhân lực còn hạn chế, nhưng Đoàn giám sát đã triển khai đầy đủ các bước. Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề cũng được xây dựng một cách khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng, trên nhiều mặt thông qua hoạt động giám sát tại nhiều địa phương.
Chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” là một trong những điểm cốt lõi trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Liệu có cần thêm bộ SGK của Nhà nước?
NĐT: Rõ ràng cuộc giám sát này đã giúp cho ngành giáo dục có thời gian tự nhìn lại mình, những gì đã đạt được và cả những hạn chế, từ đó có thể tiếp tục triển khai Chương trình một cách hiệu quả, thực chất. Một trong những vấn đề được đoàn giám sát đưa ra là "nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Đại diện cho Chính phủ, cũng như ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát bỏ nội dung này khỏi nghị quyết, với nhiều lý do, trong đó nổi bật là việc này sẽ làm ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, đồng thời gây ra những phức tạp, tốn kém không cần thiết. Dưới góc nhìn của một người trực tiếp tham gia giảng dạy, bà có quan điểm thế nào?
ĐBQH Hà Ánh Phượng: Tôi đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Theo tôi, ngay từ khi bắt đầu đổi mới, Bộ GD&ĐT đã tập hợp và chỉ đạo đội ngũ chuyên gia, nhà giáo xây dựng khung chương trình, từ đó làm căn cứ để cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Hiện nay, tất cả các môn học ở cả ba cấp học đều đã có sách, như vậy Bộ GD&ĐT không cần phải biên soạn thêm một bộ SGK nữa, đỡ tốn kém cho ngân sách nhà nước.
Về giá, dù không có một bộ SGK của Bộ, cũng hoàn toàn không phải lo ngại. Bởi, tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Giá (sửa đổi). Luật đã có quy định về giá trần vì sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp.
Một lý do nữa cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ra, nếu Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK sẽ làm ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa đã được nêu tại Nghị quyết 88 trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa. Tôi đồng tình với điều này.
Với việc có thêm một bộ SGK của Bộ, tôi e rằng sẽ tái diễn tình trạng “độc quyền” trong cung cấp SGK bởi tâm lý an toàn khi lựa chọn của các địa phương. Điều này sẽ đem tới lo ngại cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư trong các lĩnh vực khác, vì thấy chính sách thay đổi thất thường, môi trường đầu tư không ổn định.
Một trong những vấn đề mới đây được Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra là "nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước".
NĐT: Ở Chương trình 2018, chúng ta có một khung chương trình chuẩn, để từ đó cách cá nhân, tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Theo cô, việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa có lợi cho học sinh?
ĐBQH Hà Ánh Phượng: Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa giúp học sinh tiếp cận đa chiều thông tin và ý kiến khác nhau về cùng một chủ đề. Các em được khuyến khích suy nghĩ, so sánh, phân tích và đưa ra quan điểm riêng dựa trên các nguồn thông tin khác nhau. Điều này giúp học sinh phát triển khả năng tư duy phản biện, phân tích sự đa dạng và đánh giá thông tin một cách khách quan.
Bên cạnh đó, việc đa dạng sách giáo khoa sẽ phù hợp với các vùng miền, địa phương hơn. Ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Phần Lan theo tôi được biết cũng không tồn tại “đồng phục sách giáo khoa”. Vậy nên, ý nghĩa của việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đó chính là việc lấy chương trình làm gốc, chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa và các học liệu khác là tài liệu tham khảo.
NĐT: Hiện đã có nhiều bộ SGK của các nhà xuất bản, là người trực tiếp truyền tải tới học sinh kiến thức từ những bộ sách đó, bà đánh giá thế nào về chất lượng những bộ sách này?
ĐBQH Hà Ánh Phượng: Tôi được biết, đội ngũ biên soạn SGK là các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm thực tế và năng lực biên soạn đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở GDPT. Trong đó có nhiều tác giả là Tổng chủ biên, Chủ biên và thành viên biên soạn chương trình GDPT 2018; tham gia biên soạn, bồi dưỡng các mô đun triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018.
Các SGK có những sáng tạo riêng trong cách thức trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục. Các SGK khác nhau lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh khác nhau, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được lựa chọn khác nhau làm đa dạng các bộ SGK, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hoá.
Nội dung phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá thể hiện trong các bản mẫu SGK đều đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh được quy định trong chương trình các môn học/hoạt động giáo dục.
Tất nhiên, đâu đó vẫn còn những “hạt sạn”, nhưng cơ bản đã được chỉnh lý sau khi có góp ý từ dư luận. Có một số ý kiến băn khoăn về nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu SGK chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục, tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu SGK trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các SGK khác nhau. Theo tôi, những điều này sẽ được giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện, nếu cần thiết.
Vấn đề SGK là một trong những chủ đề nóng của ngành giáo dục, thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận.
NĐT: Có nghĩa, nếu bây giờ chúng ta đầu tư để làm thêm một bộ SGK của Bộ GD&ĐT sẽ tạo ra sự lãng phí ngân sách và những bất cập khác. Vậy thời gian tới, để triển khai tốt nhất Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta cần làm gì thưa Đại biểu?
ĐBQH Hà Ánh Phượng: Như tôi đã đề cập ở trên, tại nhiều nơi vẫn còn thiếu nhân lực, thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học,… Thay vì dành nguồn lực để làm thêm một bộ SGK, chúng ta hãy chuyển sang để xây dựng thêm trường học, đầu tư trang thiết bị tại các phòng học, đào tạo bồi dưỡng giáo viên,…
Toàn ngành giáo dục cần tập trung tiến hành đổi mới theo chiều sâu, đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, gia tăng chiều chất lượng của đổi mới, tăng cường các điều kiện cho đổi mới thành công, cố gắng ổn định chính sách cho tới hết chu kỳ đổi mới.
Việc xác định lại vai trò của SGK là tất yếu
NĐT: Tại Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, SGK chỉ là học liệu khung chương trình, với điểm mấu chốt là phương pháp dạy và học của thầy – trò. Dường như điều này là đúng và rất phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số, có nhiều công cụ hỗ trợ cho quá trình dạy – học?
ĐBQH Hà Ánh Phượng: Việc khẳng định “SGK chỉ là học liệu thể hiện khung chương trình” là một trong những điểm đổi mới mang tính đột phá, căn bản, cốt lõi của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Và để đi tới nhận thức này, trong suốt một thời gian dài đã diễn ra những cuộc tranh luận ngay trong nội bộ ngành giáo dục và trong xã hội: Giữa chương trình và SGK, đâu mới là “pháp lệnh” (tức là văn bản quy phạm pháp luật).
Với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vị trí của SGK đã thay đổi, trước được coi là “pháp lệnh” thì nay là tài liệu chính thức để dạy học; số lượng SGK không chỉ có một bộ mà sẽ có nhiều SGK cho mỗi môn học.
Cá nhân tôi cho rằng sự điều chỉnh này đáp ứng được 2 vấn đề cơ bản của trong việc đổi mới giáo dục. Thứ nhất là chuyển trọng tâm từ cung cấp kiến thức sang nâng cao năng lực và phẩm chất của người học, thể hiện ở chỗ kích thích sự tư duy, khả năng khám phá của người học, thay vì chỉ tiếp nhận một chiều theo kiểu đọc – chép, coi SGK là đủ. Thứ hai, với sự bùng nổ của thông tin, bản thân SGK cũng bước vào cuộc đua ngang tài ngang sức với các kênh cung cấp kiến thức khác.
Với sự phát triển của công nghệ và internet, học liệu số ngày càng trở nên phổ biến hơn và có nhiều nguồn học liệu số được cung cấp cho người học. Không những vậy, những học liệu này còn có thể được tiếp cận một cách dễ dàng, nhanh chóng, khả năng chia sẻ rộng lớn, chi phí thấp và giàu sức hấp dẫn. Trong khi nhiều kiến thức trong SGK có thể chậm hơn so với sự vận hành trong cuộc sống và nếu muốn thay đổi thì tiêu tốn nhiều thời gian và chi phí thì các học liệu số có thể cập nhật nhanh chóng, liên tục. Ví dụ như các trang web, ứng dụng trên điện thoại và máy tính, cho phép người học truy cập dễ dàng để đọc sách, nghiên cứu các nguồn tài liệu phong phú hoặc thậm chí là các bài giảng được thiết kế trên máy tính và trình chiếu thành một video giảng dạy đầy đủ.
Do vậy, tôi cho rằng việc xác định lại vai trò của SGK là tất yếu, vừa góp phần định vị lại mục tiêu của giáo dục vừa đáp ứng sự thay đổi tất yếu của bối cảnh xã hội.
Cô giáo Hà Ánh Phượng là giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ).
NĐT: Tôi đã quan sát cô giáo Hà Ánh Phượng rất lâu, ngoài việc giảng dạy, cô Phượng cũng dành nhiều sự quan tâm đến trẻ em tại vùng khó khăn, thiếu điều kiện để tiếp cận công nghệ, thậm chí là cả sách - sách giáo khoa. Bà nghĩ sao về việc nhà nước cùng các nhà xuất bản, mạnh thường quân xây dựng các tủ sách – sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở giáo dục?
ĐBQH Hà Ánh Phượng: Việc xây dựng các tủ sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là trăn trở của nhiều tổ chức, cá nhân. Và không chỉ dừng lại ở trăn trở mà nó đã trở thành một hoạt động có sức lan tỏa trong nhiều năm qua tại nhiều địa phương, thu hút được sự quan tâm của xã hội và huy động được nguồn lực lớn bằng nhiều hình thức khác nhau để thực hiện. Dẫu vậy, tôi cho rằng những cố gắng dù rất quý nhưng vẫn chưa đủ và còn rất nhiều việc cần làm.
Học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở những địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo,… thiếu thốn rất nhiều thứ. Thiếu cái ăn, cái mặc và đặc biệt là thiếu sách.
Chúng ta vẫn hay nói: cho cần câu, đừng cho con cá. Và sách ở đây chính là cần câu. Xây dựng một tủ sách không chỉ là lấp đầy những giá sách mà chính là việc đem lại ánh sáng của tri thức và văn hóa đến với các em học sinh. Chỉ có ánh sáng tri thức và văn hóa mới xua tan được bóng tối của sự đói nghèo, giúp các em tìm được đường đi tới tương lai tương sáng hơn.
Để làm được nhiều việc hơn, tôi cho rằng bên cạnh sự nỗ lực của các cá nhân, tổ chức tình nguyện, các mạnh thường quân, rất cần có sự tham gia, ủng hộ của toàn xã hội với sự điều tiết, bổ sung nguồn lực của các tổ chức, cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh sóng internet di động và điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, chúng ta cũng cần tính đến việc xây dựng các tủ sách số, thư viện điện tử ở những nơi có đủ điều kiện.
NĐT: Xin cảm ơn ĐBQH, cô giáo Hà Ánh Phượng về cuộc trò chuyện.
Tác giả: Công Luân - Mạnh Quốc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy