Theo báo cáo tài chính quý II, Chứng khoán Tiền Phong (TPS - Mã: ORS) gia tăng đáng kể các khoản vay nợ tài chính ngắn hạn lên hơn 496 tỷ đồng, tức tăng gần 150 tỷ so với đầu năm do vay mới từ doanh nghiệp khác.
Cụ thể, công ty chứng khoán vẫn duy trì khoản vay ngắn hạn hơn 346 tỷ đồng (hạn mức 15 triệu USD) tại ngân hàng Shinhan - Chi nhánh Singapore có lãi suất 3%/năm, dùng để đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Trong khi đó khoản vay phi ngân hàng toàn bộ được vay mới từ đại gia bán lẻ Thế Giới Di Động với mức lãi suất đi vay 8-8,2%/năm.
Thực tế, Thế Giới Di Động là một trong các doanh nghiệp lớn trên thị trường có các nghiệp vụ kinh doanh tiền để kiếm lời từ chênh lệch tài chính. Tập đoàn bán lẻ tận dụng lợi thế về quy mô để vay nợ ngân hàng đến 1 tỷ USD cuối năm 2021 với lãi suất ưu đãi, trong khi đó lại đem một lượng tiền gửi lại ngân hàng hoặc cho các bên khác vay để lấy lãi.
Theo báo cáo quý đầu năm, Thế Giới Di Động cũng có cho công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) vay ngắn hạn 765 tỷ đồng và cho Chứng khoán VPS (158 tỷ đồng).
Trở lại với Chứng khoán Tiền Phong, công ty ghi nhận tổng doanh thu hoạt động tăng mạnh 132% lên mức 662 tỷ đồng trong quý II. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoạt động tự doanh, công ty bất ngờ báo lỗ lớn 129 tỷ đồng.
Khoản lỗ chủ yếu đến từ các hoạt động đầu tư tài chính gồm cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp khi khoản mục lỗ các tài sản tài chính (FVTPL) tổng cộng gần 528 tỷ đồng và lãi FVTPL chỉ có 279 tỷ đồng.
Cụ thể, công ty đã cắt lỗ loạt cổ phiếu với giá trị âm 87 tỷ đồng và bán lượng lớn trái phiếu chưa niêm yết với mức lỗ hơn 280 tỷ đồng. Tổng giá trị cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong quý vừa qua lên đến 367 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, công ty đã chốt lời cổ phiếu VHC và một số mã khác trị giá 22 tỷ đồng, bán một lượng trái phiếu chưa niêm yết có lãi 145tỷ đồng. Tổng mức lãi FVTPL theo đó chỉ đạt 173 tỷ đồng, nhỏ hơn nhiều so với số lỗ kể trên.
Với việc cắt lỗ dứt khoát nên TPS cũng không còn nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp. Tổng giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết giảm từ 775 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 90 tỷ đồng vào cuối quý II.
Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty chứng khoán ghi nhận doanh thu hoạt động gấp 2,7 lần cùng kỳ đạt 1.473 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lại giảm 32% xuống còn 118 tỷ đồng. Đơn vị đã hoàn thành 78% kế hoạch doanh thu nhưng mới thực hiện 24% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tổng tài sản đến cuối quý đạt trên 6.000 tỷ đồng, cao hơn 1.290 tỷ đồng so với đầu năm nhờ có lượng tiền mới huy động từ nhà đầu tư. Giá trị cho vay margin thời điểm chỉ còn 1.487 tỷ đồng, giảm 286 tỷ đồng so với quý trước.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy