Dòng sự kiện:
Thêm động lực đẩy nhanh xử lý nợ xấu
13/04/2019 09:02:00
NHNN đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu

Mục tiêu lớn nhất khi NHNN đưa ra Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 19, theo ông Nguyễn Trọng Du - Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN là tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho VAMC hoạt động. “Thông tư 19 được NHNN ban hành từ năm 2013 quy định vấn đề xử lý nợ xấu của VAMC. Đến nay, Thông tư này đã qua 3 lần sửa đổi (Thông tư 14 năm 2015, Thông tư 08 năm 2016 và Thông tư 09 năm 2017 - PV) nhằm hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho VAMC hoạt động hiệu quả hơn”, ông Du nhấn mạnh thêm.

Bản dự thảo mới nhất NHNN đang lấy ý kiến, ngoài việc hợp nhất nội dung của 3 lần sửa đổi, bổ sung nêu trên, còn có một số điểm mới đáng chú ý, đó là quy định rõ hơn điều kiện mua bán tài sản bảo đảm cũng như khoản nợ khi TCTD bán cho VAMC để nhận trái phiếu đặc biệt (TPĐB).

Đơn cử, tại Điểm c khoản 1 Điều 18 Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định: “Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, trong đó tối thiểu phải đảm bảo các điều kiện: hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua TPDN, hợp đồng bảo đảm phải thể hiện rõ các quyền chủ nợ của TCTD, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ đối với TCTD. Khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của TCTD; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không có tranh chấp tại thời điểm mua, bán nợ”. Sửa đổi này theo ban soạn thảo nhằm quy định rõ ràng để các đơn vị thực hiện thống nhất, đúng quy định.

Đáng chú ý, Dự thảo Thông tư bổ sung điều khoản trách nhiệm của các TCTD bán nợ và nhận TPĐB. Cụ thể, các TCTD bán nợ nhận TPĐB không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi TPĐB được thanh toán. Cung cấp thêm thông tin cụ thể hơn, ông Du cho biết, quy định mới này áp dụng đối với các khoản nợ mua nhận TPĐB có thời hạn dưới 5 năm không được chia cổ tức bằng tiền mặt, chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Việc này nhằm giữ lại nguồn tiền, tăng cường năng lực tài chính cho TCTD.

Thực tế cũng cho thấy, hiện số ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt có thể chưa hết số ngón trên một bàn tay. Còn lại đa phần các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cũng dễ hiểu, hiện tại nhiều ngân hàng vẫn đang rất khát vốn để có thể thực hiện quy định theo chuẩn Basel II cũng như đáp ứng quy định chặt chẽ của NHNN như về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn… Nhưng với yêu cầu từ quy định trên cũng giúp cho các ngân hàng “dễ ăn dễ nói” với các cổ đông đối với chủ trương chia cổ tức bằng cổ phiếu. Mặt khác, việc giữ lại được lợi nhuận giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để phối hợp với VAMC xử lý nợ xấu tốt hơn.

Việc đưa ra dự thảo quy định về xử lý nợ xấu của VAMC trong bối cảnh hiện nay được đánh giá là phù hợp, nhất là thời điểm này hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC đang vấp phải những trở ngại trong quá trình triển khai theo Nghị quyết 42 cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan mới có thể tháo gỡ được. Đơn cử, việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn rất hạn chế, thứ tự ưu tiên xử lý trong vụ việc có nhiều tài sản thi hành án được hiểu và áp dụng khác nhau. Trong chuyển nhượng dự án bất động sản cũng gặp vướng mắc. Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương vẫn chưa đồng đều do cách hiểu khác nhau. Nên có nơi hỗ trợ rất tốt, nhưng có nơi vẫn chưa tích cực...

Đối với những vấn đề trên, Thống đốc NHNN đã yêu cầu VAMC tập hợp lại tất cả những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 để sớm báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tại cuộc họp ban chỉ đạo tái cơ cấu nợ xấu. Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các TCTD tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã bán cho VAMC.

NHNN khẳng định, việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD. Trong đó tiếp tục phát huy vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững… Sau khi lấy ý kiến rộng rãi trên cổng thông tin của NHNN, dự kiến Thông tư sẽ được ban hành vào quý II/2019, đảm bảo mục tiêu đưa nợ xấu nội bảng trong toàn ngành Ngân hàng về dưới 3%. 

Để đảm bảo Nghị quyết 42 được triển khai có hiệu quả, lãnh đạo NHNN đề nghị Quốc hội chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương có văn bản gửi cơ quan Tòa án địa phương yêu cầu các đơn vị này ưu tiên áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu. Có thể tiến hành xét xử điểm 1 vụ án theo thủ tục rút gọn. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng trong toàn hệ thống ngành Tòa án và bổ sung xây dựng cơ chế chính sách được hoàn chỉnh hơn.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao xem xét, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự) sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42.

Đề xuất nữa là Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các TCTD được tra cứu, trích xuất các thông tin liên quan từ hệ thống dữ liệu này.


Theo Thời báo ngân hàng
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : vamc , nợ xấu , nhnn
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến