Dòng sự kiện:
Thêm một bộ SGK: Cần phải đúng thời điểm
30/10/2023 10:24:16
ĐBQH ủng hộ việc Bộ GD-ĐT biên soạn thêm một bộ SGK. Tuy nhiên hiện nay không phải là thời điểm để thực hiện điều này.

Đoàn Giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK). Song đã có không ít ý kiến cho rằng, việc Bộ GD-ĐT biên soạn thêm một bộ SGK sẽ gây lãng phí và dẫn đến độc quyền SGK, gây khó trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đã phân tích cụ thể việc “nên” hay “không nên” có một bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn. Nữ đại biểu đoàn Hải Dương nêu quan điểm ủng hộ, song khẳng định hiện nay không phải là thời điểm để thực hiện điều này.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) trao đổi bên hành lang Quốc hội

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ “phá sản” vì độc quyền SGK

PV: Đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc để Bộ GD-ĐT biên soạn thêm một bộ SGK sẽ gây lãng phí, gây lúng túng, khó khăn trong quá trình chọn lựa SGK, bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Việt Nga: Tôi tham gia Quốc hội từ khóa XIV. Việc ban hành Nghị quyết 51 của Quốc hội về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi cũng là một trong những thành viên bấm nút thông qua.

Trong Nghị quyết 51 của Quốc hội cũng nêu rất rõ, việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK là thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Chúng ta có một chương trình nhiều bộ SGK, trong đó, có một bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn và phát hành.

Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện Bộ GD-ĐT báo cáo Quốc hội những khó khăn, vướng mắc và xin điều chỉnh nội dung của Nghị quyết.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, thứ nhất, đã có những bộ SGK được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và đã xuất bản đủ điều kiện để dạy cho học sinh (nghĩa là có hơn một bộ SGK lúc bấy giờ). Thứ hai, do triển khai hơi chậm cho nên Bộ GD-ĐT bị động trong vấn đề mời các tác giả viết sách và chủ biên SGK. Bởi, lúc bấy giờ các tác giả viết sách và chủ biên SGK đã và đang tham gia với các tổ chức cá nhân khác để biên soạn các bộ SGK khác nhau. Do vậy, dẫn tới tình trạng nguồn nhân lực thiếu. Nếu như vẫn tiếp tục yêu cầu Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK ngay trong thời điểm đó thì vô cùng khó khăn. Hơn nữa, đấy là thời điểm chúng ta bắt tay vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho nên còn nhiều nhiệm vụ khác nhau mà Bộ phải triển khai.

Năm 2023, có cuộc giám sát của UBTVQH về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong kết luận nêu rõ Bộ GD-ĐT chưa thực hiện được nội dung biên soạn SGK và yêu cầu Bộ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này.

Kết luận này có nhiều ý kiến được đặt ra là “Bộ GD-ĐT có nên ban hành bộ sách này hay không?”. Chính phủ và Bộ GD-ĐT vẫn đề nghị không ban hành nữa với lý do hiện nay chúng ta đã có nhiều bộ SGK, đủ tiêu chuẩn điều kiện để giảng dạy cho học sinh, đủ cho các trường lựa chọn nên Bộ cũng không cần thiết phải biên soạn một bộ sách.

Thứ hai, nếu Bộ biên soạn một bộ sách thì rất dễ rơi vào độc quyền. Bởi, cơ sở giáo dục, các nhà trường được quyền chọn sách thì không tránh khỏi tình trạng giáo viên để an toàn họ sẽ chọn ngay bộ sách của bộ.

Vì công việc chọn SGK không đơn giản, mất thời gian, vất vả, có bao nhiêu bộ SGK giáo viên bắt buộc phải đọc hết ngần đấy bộ, sau đó so sánh đối chiếu với nhau để tìm ra một bộ SGK ưu việt nhất, phù hợp nhất với đối tượng học sinh của mình.

Vậy, nếu có một bộ sách của Bộ thì không tránh khỏi việc sẽ nhất loạt chọn sách của Bộ để đỡ phải đọc nhiều. Theo niềm tin của người trong ngành thì sách của Bộ biên soạn chắc chắn tốt rồi, trong quy định cũng không quy định các trường không được dạy các bộ SGK giống nhau. Vậy thì sẽ không tránh khỏi độc quyền.

Thứ ba, nếu không tránh khỏi độc quyền, các cơ sở giáo dục đều chọn sách của Bộ thì sẽ dẫn đến “phá sản” việc chúng ta thực hiện nhiều bộ SGK, lại quay về một bộ SGK. Vậy, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư để biên soạn SGK thì họ sống như thế nào?

Thêm nữa, chính sách xã hội hóa SGK, chương trình giáo dục phổ thông một chương trình nhiều bộ SGK sẽ thực hiện ra sao?

PV: Vậy theo theo bà có cần thêm bộ SGK nữa hay không?

Đại biểu Việt Nga: Quan điểm của tôi là “vẫn cần”. Vì trong Nghị quyết, chủ trương thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, chúng ta không nói 5,6,7 hay 10 bộ. SGK cũng là một mặt hàng và là một mặt hàng đặc biệt. Do vậy, khi càng có nhiều nhà cung cấp, càng có nhiều mặt hàng thì càng có nhiều sự chọn lựa phong phú khác nhau.

Cũng như người đi mua hàng, khi không có sự chọn lựa nào thì bắt buộc phải mua một mặt hàng duy nhất được cung cấp. Nhưng khi có nhiều sự lựa chọn thì quyền chọn lựa tốt hơn, đảm bảo được quyền và lợi ích tốt hơn. Tạo ra thế cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn sách, điều này học sinh, giáo viên, phụ huynh là người được hưởng lợi.

Chúng ta không chốt bao nhiêu bộ SGK là đủ, nhiều cũng được không sao cả nhưng bắt buộc các tổ chức cá nhân phải có sự cạnh tranh với nhau.

PV: Đại biểu đã nhắc đến khả năng nếu Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách thì rất dễ rơi vào độc quyền khiến Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ “phá sản”. Vậy có thực sự cần thêm một bộ SGK hay không?

Đại biểu Việt Nga: Nếu Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK thì có rơi vào độc quyền hay không? Thì ở thời điểm này, chắc chắn rơi vào độc quyền, chắc chắn chúng ta lại quay trở lại một bộ SGK. Bởi vì, theo đánh giá của cá nhân tôi qua quá trình đi đánh giá, giám sát cũng như tìm hiểu, thì vấn đề vướng mắc nhất hiện nay với SGK, với chọn lựa SGK và thực hiện Chương trình giáo dục mới là nhận thức của xã hội nói chung về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tôi thấy, có một phần lớn người dân chưa hiểu được là: Tại sao phải có nhiều bộ SGK? Tại sao phải có nhiều bộ sách cho phức tạp? Và người dân chưa hiểu được sự ưu việt khi một chương trình có nhiều bộ SGK.

Chúng ta xây dựng một chuẩn chương trình cần đạt được cho học sinh. Ví dụ, chuẩn chương trình yêu cầu học sinh học hết lớp 1 phải đọc thông viết thạo đối với bộ môn Tiếng Việt, hay ví dụ với môn Toán là cộng, trừ, nhân, chia trong phạm vi 10. Với SGK, giáo viên có quyền lựa chọn bất cứ bộ sách nào để dạy cho học sinh. Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc dạy bộ SGK nào không quan trọng mà quan trọng là hết lớp 1 học sinh được “nghiệm thu” để xác định các em có đọc thông viết thạo, có làm tính thành thạo được trong phạm vi 10 theo đúng chuẩn chương trình hay không?.

Khi học sinh đạt được đúng chuẩn chương trình này, SGK không quan trọng nữa mà quan trọng là học sinh đạt được chuẩn kỹ năng. Đây là điều ưu việt. Thứ nhất là yêu cầu đội ngũ giáo viên phải thực sự bản lĩnh và có năng lực. Bởi thay vì được cung cấp sẵn một bộ SGK để dạy, thì giáo viên phải tự chịu trách nhiệm để tìm hiểu và lựa chọn SGK phù hợp để dạy cho học sinh. Như vậy, cũng đòi hỏi giáo viên phải am hiểu về đối tượng học sinh của mình, bởi không phải học sinh nào cũng giống học sinh nào, hay lứa lớp 6 năm nay sẽ hoàn toàn khác với lớp 6 năm sau. Vậy thì, giáo viên phải biết được năng lực học sinh của mình và bộ SGK nào ưu việt với học sinh của mình nhất.

Khi giáo viên có bản lĩnh và năng lực lựa chọn SGK, thậm chí có những vấn đề giáo viên phải tự biên soạn ngoài SGK để dạy cho học sinh, để làm sao học sinh học xong lớp này phải đạt được theo chuẩn chương trình đề ra. Giáo viên còn có thể chọn lựa bài học ưu việt hơn trong những sách SGK khác nhau để dạy cho học sinh.

Thứ hai, lợi ích với học sinh là các em không bị phụ thuộc vào SGK. Từ đó triệt tiêu được dạy vẹt và học vẹt. Tiếp đó là xây dựng được một thế hệ công dân mới không suy nghĩ theo lối mòn, không hành động dập khuôn, các em sẽ trưởng thành và sống đầy bản lĩnh, biết đưa ra ý kiến, chính kiến của mình trong mọi vấn đề và các em sẽ rất linh hoạt trong mọi vấn đề của cuộc sống.

Đây là ý nghĩa và mục đích của Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng rất tiếc đến thời điểm này, chưa nhiều người thấm thía được tính ưu việt của chương trình mới. Vì chưa thấm được tính ưu việt, cộng với việc chúng ta chuẩn bị chưa kỹ về mặt cơ sở hạ tầng giáo dục nên chương trình giáo dục chưa phát huy được.

Cơ sở hạ tầng đầu tiên chính là giáo viên. Chúng ta đang sử dụng một đội ngũ giáo viên đang giảng dạy mấy chục năm chương trình cũ để chuyển sang chương trình mới. Chỉ đơn giản là đưa cho họ SGK mới, cùng thời gian vài ngày tập huấn, thì toàn bộ tư duy của giáo viên chưa chuyển kịp giữa thực hiện chương trình cũ sang chương trình 2018. Tư duy này rất quan trọng, nếu không bắt kịp, giáo viên sẽ cảm thấy khó khăn, phức tạp, rắc rối và vất vả… Trong quá trình chọn SGK, giáo viên cũng sẽ cảm thấy vô cùng áp lực.

Thậm chí, chúng ta chưa đào tạo được đội ngũ giáo viên dạy những môn học mới. Ví dụ như dạy liên môn ở cấp THCS, chúng ta vẫn sử dụng giáo viên đào đơn môn để dạy liên môn.

Bên cạnh đó, quá trình tuyên truyền, truyền thông mục đích của việc đổi mới SGK cũng chưa được thực hiện trọn vẹn. Chính vì thế, đã gây nên rất nhiều dư luận và áp lực cho ngành giáo dục.

Cần phải đúng thời điểm!

PV: Như bà phân tích thì khi nào sẽ là thời điểm phù hợp để Bộ GD-ĐT biên soạn SGK?

Đại biểu Việt Nga: Trở lại câu hỏi: “Bộ GD-ĐT có nên biên soạn một bộ SGK hay không?” Câu trả lời của tôi là “Có”, nhưng không phải ở thời điểm này. Bởi thời điểm này nếu tiến hành biên soạn sẽ nảy sinh rất nhiều rắc rối như tôi nêu ở trên, như quay về độc quyền hay các hệ luỵ khác khi đội ngũ biên soạn sách chưa chuẩn bị xong.

Thời điểm thích hợp là khi chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ về các điều kiện hạ tầng. Mỗi bản thân giáo viên, phụ huynh và học sinh đều hiểu rất rõ về ý nghĩa của nhiều bộ SGK và thoải mái lựa chọn SGK. Không áp lực khi lựa chọn mà chọn bộ sách phù hợp nhất với mình. Khi đạt được điều này, thì bộ SGK của Bộ GD-ĐT cũng được coi như bộ sách của những tổ chức, cá nhân khác.

Để đạt được điều này, tôi nghĩ rằng Bộ GD-ĐT cùng toàn thể xã hội phải có những nỗ lực rất lớn. Đặc biệt là cải thiện hạ tầng về cả giáo viên và cả cơ sở vật chất. Chúng ta vẫn đang sử dụng hệ thống trường lớp cũ, nhưng trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm tăng tương tác và tính tích cực của học sinh, cho nên kết cấu chương trình các em làm việc nhóm rất nhiều. Nhưng chúng ta chỉ có lớp học theo truyền thống, với bảng đen phía trên và kê bàn ở dưới, để giáo viên độc thoại bên trên và học sinh ngồi nghe cô ở dưới. Do đó, nếu muốn tổ chức các nhóm thì tổ chức lớp học phải khác, việc kê bàn học phải theo nhóm, đòi hỏi phải có không gian. Trong khi, chúng ta vẫn chỉ có bàn ghế cũ, lớp học chỉ có một bảng đen. Như vậy rất khó khăn khi chương trình mới triển khai và chính bản thân giáo viên cũng không thấy được tính ưu việt của chương trình.

Chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu rất nhiều hoạt động trải nghiệm và các hoạt động khác nữa cho học sinh, nhưng cách Nhà nước giao ngân sách cho ngành giáo dục thực hiện vẫn là “giao theo cách cũ, chương trình cũ”. Định mức kinh phí cũ với yêu cầu thực hiện chương trình mới tạo thêm ngổn ngang khó khăn cho ngành giáo dục. Tôi rất chia sẻ với ngành giáo dục khi đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, vướng mắc và phức tạp. Các vấn đề đang được tháo gỡ dần dần, nhưng với những vấn đề là căn bản, cốt lõi, tôi đề nghị trong thời gian tới phải được tháo gỡ khẩn trương.

PV: Xin cảm ơn bà!

Tác giả: Lê Hoàng

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến