Dòng sự kiện:
Thêm một hình thức sở hữu chéo bị 'điểm danh'
09/01/2019 20:06:34
Từ năm 2021, cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng (TCTD) và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD khác.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 46 quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.

Việc một nhóm cổ đông đồng thời sở hữu trên 5% vốn tại 2 hay nhiều tổ chức tín dụng đã bị cấm tại Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ban hành hồi năm 2017.

Vietcombank và Agribank đã thoái vốn khỏi OCB

Thông tư yêu cầu các tổ chức tín dụng phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác (nhóm cổ đông lớn có liên quan).

Tổ chức tín dụng đầu mối phối hợp với tổ chức tín dụng khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2020 tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định.

Thông tư cũng quy định, tổ chức tín dụng đầu mối phối hợp với tổ chức tín dụng khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan hoàn thiện Kế hoạch khắc phục và gửi Ngân hàng Nhà nước.

Kể từ ngày 1/3, khi Thông tư này có hiệu lực thi hành, nhóm cổ đông đồng thời sở hữu trên 5% vốn tại nhiều hơn một tổ chức tín dụng sẽ không được tăng số lượng cổ phần sở hữu tại các tổ chức tín dụng đó dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, một số trường hợp được loại trừ gồm nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu; mua cổ phiếu phát hành thêm khi tổ chức tín dụng đầu mối, tổ chức tín dụng khác tăng vốn điều lệ nhưng đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi mua tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định.

Tổ chức tín dụng đầu mối, tổ chức tín dụng khác không được cấp tín dụng cho nhóm cổ đông lớn có liên quan sau 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành cho đến khi nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ ti lệ sở hữu cổ phần theo quy định.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể. Sau 6 năm đẩy mạnh tái cơ cấu, hiện sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 cặp còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp cũng giảm mạnh, từ 56 cặp cách đây 6 năm còn 2 cặp hiện nay. Số cổ đông sở hữu vượt 15% vốn điều lệ cũng giảm còn một ngân hàng, so với con số 19 ngân hàng cách đây 6 năm…

TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng đánh giá, có nhiều dấu hiệu cho thấy sở hữu chéo ngân hàng đã giảm mạnh. Đó là tình trạng một ông chủ vừa làm lãnh đạo ngân hàng, vừa làm lãnh đạo doanh nghiệp sân sau giảm; các ngân hàng đã thoái mạnh vốn khỏi ngân hàng khác; hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng.

Được biết Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu: “Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại”.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến