Dòng sự kiện:
Thêm một 'ông lớn' mua lại trái phiếu trước hạn
21/06/2022 13:05:57
Trước xu hướng doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn đang diễn ra sôi động trên thị trường, Becamex IDC Corp cũng vừa mua lại trái phiếu chỉ sau 1 năm phát hành.

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp, MCK: BCM) thông báo đã hoàn tất mua lại lô trái phiếu mã số BCMH2123002, với quy mô mua lại 79 tỷ đồng, bằng mệnh giá trái phiếu.

Đây là trái phiếu kỳ hạn 2 năm, đáo hạn ngày 11/6/2023, có lãi suất 8,2%/năm. Lô trái phiếu trên là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng tài sản. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại 3 thửa đất tại phường Hoà Phú, TP. Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương.

Sau khi hoàn tất mua lại 79 tỷ đồng trái phiếu, BCM đã giảm lượng lưu hành lô trái phiếu BCMH2123002 từ 500 tỷ đồng xuống còn 421 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, tổng nợ vay của BCM tại thời điểm 31/3/2022 là gần 15.735 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng nợ vay từ trái phiếu khá cao gần 71%, tương ứng hơn 11.130 tỷ đồng. Cơ cấu trái phiếu bao gồm bao gồm 10.399 tỷ đồng vay trái phiếu dài hạn và 731 tỷ đồng trái phiếu dài hạn đến hạn trả.

Việc gia tăng vay trái phiếu cũng đã ảnh hưởng phần nào đến BCM khi kết quả kinh doanh của công ty bị bào mòn bởi chi phí lãi vay.

Động thái mua lại trái phiếu trước hạn của BCM nằm trong xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn, khi trên thị trường hàng loạt doanh nghiệp có “máu mặt” cũng đồng loạt mua lại trái phiếu trước hạn như: Gelex (MCK: GEX), Chứng khoán VIX (MCK: VIX), Năm Bảy Bảy (MCK: NBB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (MCK: OCB), Công ty Cổ phần An Phát Finance, Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS),…

Việc doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn bắt đầu diễn ra sau sự kiện Tân Hoàng Minh xảy ra vào đầu tháng 4. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý là, giá trị mua lại trái phiếu trước hạn của tháng 4/2022 tăng đột biến với mức 11.900 tỷ đồng, gần bằng tổng giá trị mua lại trong 3 tháng đầu năm nay là 12.800 tỷ đồng.

Trong quý I/2022, tuy doanh thu chỉ tăng 2% nhưng nhờ biên lãi gộp tăng mạnh, lãi gộp của BCM tăng đến 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vì lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm trong kỳ; đồng thời chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng trong kỳ dẫn đến kết quả lợi nhuận sau thuế giảm so với quý I/2021.

Đáng chú ý, trong đó có chi phí lãi tăng đến 74% khiến lãi sau thuế cả kỳ của công ty đi ngược chiều doanh thu, giảm 14% về mức 391 tỷ đồng.

Becamex đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng trong năm 2022 với tổng doanh thu đạt 9.680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.888 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và 98% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Becamex mới hoàn thành được 14,8% chỉ tiêu doanh thu và 13,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên đã được thông qua ngày 25/3, BCM dự kiến tiếp tục huy động thêm 2.000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu trong năm 2022. Số tiền thu được sẽ dùng để đầu tư vào Dự án KCN Bàu Bàng mở rộng (1.100 tỷ đồng), Dự án Khu văn hóa - thương mại - dịch vụ - nhà ga trung tâm TPM Bình Dương (300 tỷ đồng) và Dự án Toà nhà văn phòng - thương mại - dịch vụ WTC TPM Bình Dương (600 tỷ đồng).

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nhung

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến