Dòng sự kiện:
Thêm tên thành viên gia đình vào sổ đỏ: Nên hay không nên?
23/11/2017 06:30:22
Quy định về việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ đang là vấn đề gây khá nhiều tranh cãi.

Liên quan đến quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất sắp có hiệu lực, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là quy định không cần thiết và càng khiến sự việc trở nên phức tạp.

Ảnh minh họa.

Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm, nếu là con cái trong gia đình thì bộ luật dân sự đã quy định rõ ràng về quyền thừa kế. Theo đó, con cái sẽ được thừa hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật quy định. Còn việc thêm tên các con vào sổ đỏ đồng nghĩa với việc chúng ta phải xác định rõ ràng được sự đóng góp của từng người con trong tài sản chung đó. Điều này rất mất thời gian và càng làm vấn đề trở nên phức tạp.

Giáo sư Hùng Võ phân tích thêm, việc ghi thêm tên thành viên trong gia đình vào sổ đỏ sẽ làm rối việc xác định chủ của tài sản và chắc chắn sẽ gây ra tranh chấp.

Trái ngược với quan điểm của vị giáo sư, Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng công lý lại cho rằng, thông tư nêu trên được xem là một trong những giải pháp để loại bỏ tình trạng lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Luật sư Kiên phân tích, trong thực tế hiện nay, việc xác định các thành viên của hộ gia đình trong sổ đỏ không phải lúc nào cũng dễ dàng (đã có nhiều sự việc lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất). Vì vậy, việc ghi tên càng chi tiết, càng rõ ràng trong sổ đỏ càng đảm bảo được quyền lợi của các thành viên trong gia đình.

“Hơn nữa sau này nếu có xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất thì các cơ quan có thẩm quyềncũng sẽ giải quyết sự việc một cách dễ dàng hơn", luật sư này cho hay.  

Luật sư Kiên chỉ ra một thực tế, trong xã hội hiện nay, nhiều người không hiểu đúng bản chất về đất của hộ gia đình. Về nguyên tắc đất của hộ gia đình thì là tài sản chung của các thành viên trong cả hộ. Nếu chỉ ghi đại diện chủ hộ thì rất khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp nếu có.

Luật sư Kiên chỉ ra nhiều trường hợp người đứng tên sổ đỏ lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi cầm cố trong khi chưa được sự đồng ý của các thành viên khác. Sau đó, họ lấy tiền và đem tiêu xài cá nhân. Như vậy quyền lợi của các thành viên khác trong hộ gia đình sẽ không được đảm bảo.

“Việc ghi tên tất cả các thành viên khác trong hộ gia đình có thể sẽ giảm thiểu được sự việc nêu trên. Bởi khi đó, ai cũng sẽ hiểu tài sản đó là tài sản chung, không còn sự mập mờ khi chỉ ghi tên đại diện chủ hộ"", vị luật sư nêu quan điểm.

Theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.

Cụ thể, đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến