Dòng sự kiện:
Thị trường BĐS nhiều khu vực đang dần phục hồi
29/10/2021 14:02:20
Theo đại diện Bộ Xây dựng, tác động mạnh của dịch COVID-19 khiến thị trường BĐS quý III tuy có bị suy giảm nhưng không rơi vào trạng thái “đóng băng” toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc.

Số liệu trong 6 tháng đầu năm 2021 của thị trường bất động sản đã cho thấy dấu hiệu dần phục hồi khi đợt dịch được kiểm soát, có một số chỉ số tương đối khả quan.

Thị trường không "đóng băng" toàn diện

Chia sẻ tại Hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch COVID-19” do Báo Tiền Phong tổ chức sáng nay (29/10), ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã có nhiều ảnh hưởng, tác động đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều Nghị quyết, Chỉ thị. Đồng thời các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động có nhiều giải pháp hợp lý, sử dụng hiệu quả các công cụ điều tiết chính như: tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch... nên thị trường bất động sản tuy có bị ảnh nhưng không rơi vào trạng thái “trầm lắng”, “đóng băng” toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê… so với các năm trước đó.

Cũng theo ông Hưng, số liệu trong 6 tháng đầu năm 2021 của thị trường bất động sản đã cho thấy dấu hiệu dần phục hồi khi đợt dịch thứ 3 được kiểm soát, có một số chỉ số tương đối khả quan.

Như về nguồn cung, có 180 dự án với 55.576 căn (tăng 23%) so với cùng kỳ năm 2020. Về lượng giao dịch, có 55.335 giao dịch thành công (tăng 29%) so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, trong các tháng cuối quý I, thị trường có hiện tượng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.

Sang đến quý III/2021, khi nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thực hiện cách ly, giãn cách triệt để, nghiêm ngặt thì hầu hết các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng, thiệt hại lớn. Thị trường bất động sản trong quý III càng gặp nhiều khó khăn hơn so với quý II.

Thống kê cho thấy, tổng nguồn cung bất động sản nhà ở cả nước chỉ đạt khoảng 60-70%. Nếu tính cục bộ một số địa phương, nguồn cung bất động sản còn thấp hơn nhiều do hoạt động đi lại, giao dịch, kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội không thể thực hiện được. Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, đến nay trên cả nước có 37 dự án với 18.872 căn được cấp phép, bằng khoảng 69% so với quý II/2021; 701 dự án với 244.936 căn đang triển khai xây dựng, bằng khoảng 70% so với quý II/2021. Có 50 dự án với 7.444 căn hoàn thành.

Lượng giao dịch trên thị trường cũng giảm chỉ bằng khoảng 35- 40% so với quý II, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 40- 50% lượng chào bán trên thị trường, một số khu vực thị trường có hiện tượng "đóng băng tạm thời". Với thị trường căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ quý III, tổng lượng giao dịch cũng giảm rất mạnh với 10.400 giao dịch thành công so với con số trên 18.300 giao dịch trong quý II.

Loạt chính sách gỡ vướng cho thị trường BĐS

Liên quan đến các chính sách, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong cuối năm 2020 đầu năm 2021, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, bất động sản như: Nghị định 06 về quản lý chất lượng, Nghị định 09 quản lý vật liệu xây dựng...

Thời gian qua, hàng loạt chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cho thị trường BĐS.

Cụ thể, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó sửa đổi, bổ sung và quy định cụ thể hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản thủ tục hành chính trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội; giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; hồ sơ và xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội...;

Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 Chính phủ quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũng đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc kiểm định đánh giá chất lượng nhà chung cư, việc lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; yêu cầu về quy hoạch đối với khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho người được tái định cư; quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong việc di dời, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và một số cơ chế trong việc thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Ngoài ra, đại diện Bộ Xây dựng cho biết Bộ cũng đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đưa vào chương trình để thông qua trong năm 2023 (sớm hơn một năm so với kế hoạch).

Tác giả: Ninh Phan - Ngọc Mai

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến