Phục hồi đáng kể
Thị trường chứng khoán ghi nhận sự phục hồi đáng kể của VN-Index sau hai tuần điều chỉnh mạnh trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đưa ra quan điểm khá thận trọng và cho rằng đà tăng vẫn chưa thực sự bền vững và còn nhiều thách thức phía trước.
Diễn biến tuần qua, VN-Index đã tăng 0,78% và lên mức 1.228,1 điểm. Đây là mức phục hồi tích cực. Đặc biệt, chỉ số này đã tìm lại được động lực mạnh quanh mốc 1.200 điểm - Một vùng hỗ trợ tâm lý quan trọng đồng thời là đường xu hướng nối các điểm thấp của tháng 4-8/2024 và đường xu hướng tăng trưởng dài hạn từ năm 2020.
Tuy nhiên, kết quả về thanh khoản thị trường vẫn chưa có sự cải thiện hoàn toàn, khi khối lượng giao dịch giảm xấp xỉ 17% trên sàn HoSE. Điều này cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, độ rộng thị trường phân hóa mạnh với sự phục hồi tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, tài chính và nổi bật là viễn thông, trong khi nhiều nhóm ngành khác vẫn chưa có tín hiệu phục hồi rõ rệt.
Điểm đáng lưu ý, các nhà đầu tư nước ngoài duy trì bán ròng mạnh, giá trị trên sàn HoSE đạt gần 5.199 tỷ đồng. Nhưng, quy mô bán ròng có xu hướng giảm dần và thậm chí khối ngoại đã chuyển sang mua ròng trở lại trong phiên cuối tuần. Họ tập trung mua vào một số mã cổ phiếu, như HDG, TCB, đây được xem là một số tín hiệu tích cực về dòng tiền đầu tư nước ngoài.
Trên thị trường phái sinh, VN30F2411 tăng 22,40 điểm (+1,76%), đóng cửa tại 1.298 điểm. Mức chênh lệch đáng kể khi cao hơn 11,93 điểm so với VN30 và sự chênh lệch cao hơn nữa ở các kỳ hạn xa hơn (từ 15,13 điểm đến 17,33 điểm). Điều này phần nào thể hiện tâm lý lạc quan nhất định của nhà đầu tư trên thị trường phái sinh. Tuy nhiên, khối lượng mở (OI) tuần này giảm xuống 44.327, thấp hơn nhiều so với tuần gần nhất (64.319), điều này có thể liên quan đến việc đáo hạn hợp đồng.
Giai đoạn phục hồi
Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), cho biết VN-Index đang trong giai đoạn phục hồi sau một thời gian suy giảm mạnh. Theo đó, ông Nhật kỳ vọng chỉ số sẽ kiểm tra lại các mức kháng cự quanh 1.230 điểm và 1.250 điểm cùng với vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.220 điểm. Đối với VN30, ông này cũng nhấn mạnh sự cần thiết của động lực lớn hơn và cải thiện thanh khoản để vượt qua đường giá trung bình 200 phiên, tương đương khoảng 1.290 điểm.
“Thị trường chứng khoán đã trải qua một năm biến động trong biên độ hẹp, chịu áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại, áp lực tỷ giá và dòng tiền từ nhóm bất động sản. Tuy nhiên, chất lượng nội tại trung hạn của thị trường đang cải thiện dần với nhiều mã và nhóm ngành ở vùng giá hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội đầu tư,” ông Nhật nhật định.
Trên cơ cở đó, ông Nhật dự báo thị trường sẽ phân hóa mạnh và VN-Index kỳ vọng tạo đáy ở vùng 1.200 điểm (khu vực giá giá cao nhất năm 2018) và khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, ưu tiên giải ngân vào các mã cổ phiếu cơ bản tốt, có kết quả quý 3 tăng trưởng tốt và kỳ vọng duy trì tăng trưởng.
Tương đồng với ý kiến trên, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định VN-Index đã phục hồi từ mốc hỗ trợ 1.200 điểm sau hơn hai tuần điều chỉnh. Lực cầu bắt đáy tăng lên, đặc biệt là từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó có nhiều mã cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng mạnh ở một số phiên và ảnh hưởng đến diễn biến chung. Tuy nhiên, động thái bắn ròng ở phiên cuối tuần cho thấy tín hiệu chững lại, do việc chốt lời ngắn hạn.
Về phân tích kỹ thuật, báo cáo từ VCBS nhận thấy áp lực chốt lời ngắn hạn trên thị trường sẽ gia tăng. Các chỉ báo đang cho thấy khả năng thị trường sẽ tiếp tục rung lắc trong quá trình hồi phục. Hiện, VN-Index đang tiến gần đường trung binh 20 ngày với mức kháng cự ngắn hạn 1.240 điểm.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của VCBS cho rằng nếu dòng tiền và thanh khoản cải thiện trong tuần tới, VN-Index sẽ hướng tới mốc 1.240-1.242 điểm.
Dựa trên phân tích này, các chuyên gia của VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng, cân nhắc chốt lời đối với các mã đã đạt mục tiêu và có dấu hiệu suy yếu. Song, các nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc để lướt sóng ngắn hạn, tập trung vào các cổ phiếu được dòng tiền chú ý như nhóm ngân hàng, bán lẻ, công nghệ-viễn thông.
Mặt khác, các nhà đầu tư trung-dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có lợi nhuận tốt và tiềm năng tăng giá dựa trên kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 4 đồng thời cân nhắc giải ngân thêm nếu thị trường có nhịp rung lắc. Cụ thể là tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành, có nền tảng cơ bản tốt và kết quả kinh doanh tích cực./.
Tác giả: Hạnh Nguyễn