Dòng sự kiện:
Thị trường chứng khoán huy động hơn 400.000 tỷ đồng năm 2023
28/02/2024 15:22:02
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết tổng giá trị huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán năm 2023 đạt gần 418.300 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 sáng 28/2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sáng 28/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024.

Tại hội nghị, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho biết thị trường chứng khoán tiếp tục khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế bất chấp sự ảnh hưởng từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước.

“Hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán trong năm 2023 khởi sắc với tổng giá trị huy động vốn đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022”, bà Phương cho biết.

Diễn biến thị trường chứng khoán cũng phản ánh kỳ vọng tích cực về triển vọng kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua kênh này.

Các tổ chức kinh doanh chứng khoán đang có sự cải thiện về chất lượng hoạt động, duy trì với 81/82 công ty chứng khoán đang hoạt động có tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%; 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý đạt 639.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2023, tăng gần 16% so với cùng kỳ; thị trường ghi nhận 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022.

Ngành chứng khoán đồng thời đề ra và triển khai các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán.

Trước đó, vào cuối năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu đưa quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030, trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP năm 2025 và tối thiểu 25% GDP năm 2030. Kênh phái sinh tăng trưởng trung bình 20-30% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.

Cũng theo mục tiêu này, cơ quan quản lý kỳ vọng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường đạt 9 triệu đơn vị vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý có trách nhiệm hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế.

Tác giả: Minh Khánh 

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến